Hồi ức : NGƯỜI TỈNH LẺ
MẤY LỜI DẠO ĐẦU
Những người nổi tiếng thường khoái viết hồi ký. Dĩ nhiên rồi , vì họ muốn để lại dấu ấn sâu sắc về cuộc đời đầy lãng mạn hay đầy “phong ba , bão táp” của họ. Còn những người bình thường như tôi ( có khi còn là dưới mức bình thường nữa chứ) , đời tẻ nhạt lắm, xuất hiện, tồn tại rồi biến khỏi cuộc đời này như một cái bóng mờ nhạt lướt qua cửa sổ vào lúc chập choạng tối…, có gì đáng ghi lại đâu.
Trước đây , thường nghĩ vậy. Song trong gần một năm nay, nhất là từ khi có thông báo nghỉ hưu, tôi lại nẩy ra cái ý nghĩ “ẩm ương” là phải viết một cái gì đó về mình, về những người sống quanh mình, tốt hay xấu, thân thương hay đáng ghét, hàm ơn hay sân hận..v..v.. Nhưng mà, để viết được thì cũng phải có một cái vốn văn chương nào đó, một trình độ viết văn nào đó chứ. Như tôi, học hết lớp 7 /10 , theo học trung học chuyên nghiệp, rồi học qua những khóa học đại học nhằm đào tạo ra những thứ “ dốt như chuyên tu, ngu như tại chức”, thế mà dám cầm bút,viết văn thì liều thật. Đúng là điếc không sợ súng! Ờ , nghĩ đi rồi cũng nghĩ lại, mấy ông như Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Tô Hoài ở Việt Nam hay ông Gorki ở Nga chẳng hạn, nào có học bao nhiêu (ở học đường) thế mà đã mấy ông học giả, học thật nào dám chê bai, coi thường đâu. Nghĩ vậy, nên mình rất vững tin để viết. Vả lại, viết cho mình, cho anh em , bằng hữu , gia đình… xem là chính, chứ có mang bán đâu mà ngại.
Ồ, thế là tập hồi ức đã bắt đầu được viết vào đúng dịp “ 60 năm ngày sinh” của mình, 10 ngày trước thời điểm nhận sổ hưu trí. Nó sẽ được viết một cách “ túc tắc” cho đến khi nào tác giả của nó không muốn viết nữa hay chẳng còn chuyện gì để viết nữa.
I. Gương mặt người thân
Gia đình
… Lung linh, lung linh hai tiếng gia đình…
Tôi không nhớ khái niệm gia đình đã hình thành trong tôi vào lúc nào. Hình như vào lúc bốn tuổi, tôi đã biết theo mẹ đến chợ, nơi mẹ tôi bán hàng vải. Tôi nhớ mẹ dắt tôi qua đi đoạn đường rất dài từ nhà ở gần đầu thị xã đến mãi chợ Con ở cuối thị xã, qua bãi terrain tôi nhìn rõ ở cổng hình khắc trên tường những ‘thằng tây’ đầu trọc, đi giày đinh, mặc quần soọc, thằng đầu hàng ôm quả bóng, rồi qua con phố dài san sát cửa hàng , cửa hiệu, có hiệu kem cốc mà tôi thấy rất ngon, rất thích ăn. Chợ Con rất đông người mua bán trong một bãi đất hẹp và bụi bậm. Sau này tôi mới biết, chợ lớn của thị xã gọi là chợ Tây, lúc đó bị tây chiếm làm doanh trại của lính. Ở chợ, tôi được ăn đủ thứ quà: bánh giò, bánh dày kẹp chả quế, bánh chưng, bánh tây ba tê, bún thang..v..v.. Lúc ấy còn nhỏ quá, tôi chỉ nhớ được vậy về cái quang cảnh phố và chợ của Đông Thành.Tôi cũng nhớ lúc đó trong nhà tôi khá đông người: ngoài cha mẹ và bốn chị em, còn có chị “Chính bếp” giúp việc cơm nước, anh Mở , trước kéo xe tay, sau lấy vợ ở quê đem ra thị xã và ở trong căn nhà nhỏ cạnh bếp, hàng ngày anh đi làm ở hiệu bánh đậu xanh Rồng vàng, rồi các chú thím chạy loạn từ quê ra ở nhờ để đi buôn bán kiếm sống qua ngày, Hộ con chú Nga, chú họ của tôi, ra trọ học… Trong khuôn viên 240 mét vuông của nhà tôi, có ngôi nhà chính, một tầng thôi nhưng nền nhà cao đến 1,3 mét, mái ngói cao ngất ngưởng có lẽ đến 6 mét, đằng sau qua một sân gạch rộng là nhà ngang nhỏ , khoảng 20 mét vuông, bên hông phải của ngôi nhà chính là một khu vườn rộng, sau này thầy tôi đã cho dựng lên một ngôi nhà tôn để cho thợ mộc thuê; sau khu vườn là bếp và căn buồng hẹp, trước để xe tay và đồ lặt vặt, sau cho vợ chồng anh Mở ở; phía sau nhà ngang là một vườn hẹp và nhà vệ sinh. Nhà ngang lúc đó cho mấy người thuê, trong đó có vợ chồng một người lính và hai anh lính trẻ (lính Bảo Đại). Như thế vị chi có đến gần 20 người sống trên diện tích 240 mét vuông đó. Đông người là vậy mà gần như không có sự ồn ào, va chạm đáng kể nào.Mọi người rất tôn trọng người chủ nhà là thầy tôi.
Thầy tôi là một người đàn ông nhỏ nhắn. Người cao khoảng hơn một mét rưỡi, bề ngang cũng không lớn. Phần lớn thời gian, tôi chỉ thấy thầy tôi mặc áo dài lương, đội khăn đóng. Sau này, khi xem thẻ căn cước mới thấy hình thầy tôi trong bộ âu phục, với một áo vest cũ, kiểu cổ, không thắt ca-vát mà quấn khăn phu-la quanh cổ. Năm tôi chừng 4, 5 tuổi, thầy tôi đã có vẻ yếu rồi. Thầy lúc nào cũng nhỏ nhẹ, không to tiếng với ai bao giờ. Thường vào sáng sớm, khoảng 5 giờ rưỡi , thầy tôi đã dậy. Người tự tay đun ấm nước nhỏ như một cái ca trên chiếc bếp cồn để pha chè tầu. Cái bếp cồn ấy bằng đồng, sáng loáng, ngọn lửa xanh lè bập bềnh trông rất hấp dẫn.Những cánh hoa nhài hái vào sáng sớm ướp vào trong chè tầu pha nước với bộ ấm chén cổ, sứ tầu. Nói đến chè tàu ướp nhài, tôi lại nhớ đến một anh bạn miền nam, quen tôi ở Phan Thiết, có lần khi tôi kể chuyện thầy tôi dùng chè ướp nhài, tay ấy dám nói bậy rằng thầy tôi không biết thưởng thức trà. Tôi không cần tranh luận với anh ta, vì biết rằng anh ta làm sao hiểu được cái ‘goût’ của các cụ nhà Nho Bắc Kỳ.
Khu nhà đất mà tôi vừa kể trên thầy mẹ tôi mua của gia đình người cô họ của tôi, gia đình ông giáo Quán ( chồng của cô tôi) vào năm 1946. Mua xong chưa ở được bao lâu thì phải tản cư trước ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946). Sau hơn 4 năm chạy loạn, có thêm hai người con, một mất sau khi sinh mấy tháng, một là tôi ra đời vào tháng 9 năm 1949, hình như ở một làng nhỏ nào đó ở Bình Đê, Bình Giang (?), gia đình tôi mới về lại Đông Thành và nhận lại nhà đất. Anh trai tôi kể lại khi anh tôi dinh tê về Thành Đông ( trước gia đình tôi) thì nhà tôi bị một gia đình người hàng xóm dọn đến ở và phá dỡ lung tung cả. Anh tôi đến bảo họ chuyển đi chỗ khác, trả lại nhà, còn bị họ sửng cồ, phải dọa đưa ra đồn cảnh sát giải quyết, họ mới sợ và bỏ đi. Khi trở về, gia đình đã phải dọn dẹp sửa sang rất nhiều.Thêm nữa, hàng rào phía hông phải lại bị gia đình cụ Ký Thanh (kiến trúc sư?) phá và lấn sang hơn 1 mét đất. Khi đó đất nào có giá trị gì lắm, vì vậy để giữ tình hòa hảo với hàng xóm, thầy tôi cũng không đòi lại nữa. Nói đến hai chữ ‘dinh tê’ ( còn gọi là ‘về tề’), những người làm cán bộ vào những năm 50, 60 nghĩ đến những người bỏ kháng chiến để trở về thành phố và phần lớn những người đó được coi là kẻ phản bội, đầu hàng giặc. Khi lớn lên, tôi thắc mắc tại sao lại gọi là ‘dinh tê’, từ này có phải là từ gốc Pháp không. Tôi hỏi nhiều người biết tiếng Pháp, kể cả anh tôi, người đã học đến ‘bắc’ (baccalauréat ) thời trước 1945, nhưng không ai bảo tôi từ đó viết bằng tiếng Pháp ra sao. Ồ, cảm ơn ông Phạm Duy, gần đây đọc cuốn hồi ký của ông, tôi mới biết nó là chữ ‘renter’, nghĩa là trở về mà thôi. Đối với người dân chạy loạn lúc giặc giã, việc trở lại nơi ở cũ khi tạm yên hàn là việc rất bình thường, những người nổi tiếng, học cao, biết rộng mà vẫn phải ‘renter’ hết lần này đến lần khác từ nhiều nơi trên địa cầu này cơ mà.
Về Đông Thành, thầy tôi mở hiệu tạp hóa, bán nước giải khát, soda, bia, đèn pin, bút máy đến thuốc đau mắt, cái biển bán buôn, bán lẻ thuốc đau mắt ‘chè dọc’ còn được giữ mãi trong nhà đến tận những năm 1960. Mẹ tôi bán vải ở chợ Con, hàng ngày anh Mở, rồi đến Kính, Duyến ( hai người cháu họ của tôi ở làng Chằm) kéo xe tay chở các tấm vải đủ loại ra chợ cho mẹ tôi. Tôi nhớ thầy tôi thường đi lại chậm rãi quanh mấy quầy hàng và khi không có khách thì Người đọc sách, sách chữ Nho hay sách chữ Pháp. Anh Chiếu , con ông bác, anh ruột của mẹ tôi, tạm trú tại nhà tôi ít tháng trước khi di Nam (1953), thường hỏi thầy tôi một số ngữ nghĩa chữ Nho hay văn phạm tiếng Pháp – theo lời anh kể lại với tôi sau này.Cũng theo lời kể của một số người thân, hồi trẻ thầy tôi học chữ nho đã đỗ sinh đồ, được các cụ đồ trong phủ chọn để đưa đi thi ‘hương’, nhưng đúng vào năm đó, triều đình và nhà nước bảo hộ bắt đầu bỏ hẳn chế độ thi cử Hán học, với lều chõng lỉnh kỉnh để bước sang chế độ giáo dục kiểu Pháp tân kỳ hơn, khoa học hơn. Sau đó, thầy tôi lại đi học trường Pháp Việt và chỉ qua sơ học yếu lược thì bỏ ngang để đi làm.Theo học chính thức chỉ có vậy mà sau này thầy tôi làm quản lý một đồn điền nhỏ cho chủ đồn điền tây De Montpezart ở Nam Sách, đọc, viết khá rành tiếng tây (nói thì kém, ông Tấn, em chồng trước của mẹ tôi, bảo vậy). Anh Chiếu cũng kể lại, thầy tôi từng giảng cho anh nghe rất rõ về chủ trương của những người Mac-xit xây dựng một chế độ xã hội không có kẻ giầu, người nghèo, không còn buôn bán như trước, mọi người đều lao động và hưởng thụ đồng đều. Anh Quyết (anh họ tôi) thì bảo: ông nói rồi ra ruộng đất của người giàu sẽ phải thu lại chia cho người nghèo, mọi người góp ruộng lại với nhau rồi ăn chung, làm chung. Lúc đó các anh ấy đều không tin là sự thể sẽ diễn ra như vậy.
Khi thầy tôi bán bia và soda, tôi hay gặp những anh lính tây ghé vào uống bia, trắng có, đen có. Thầy tôi nói chuyện với họ rất từ tốn, họ cũng tỏ ra lễ độ và thân mật. Có anh marốc ngồi nói chuyện với thầy tôi cả giờ đồng hồ.Một hôm, tôi thấy anh ấy khóc, chẳng rõ là do đau buồn hay nhớ nhà. Có lần, trời đã tối, dưới ánh đèn tù mù, một anh da đen ngồi đen xì cả một góc. Tôi đến bên bàn, cầm chiếc đèn pin của anh ta, bấm và rọi sáng vào mặt anh ta. Anh ấy cười lớn, phô hàm răng trắng lóa và cái lưỡi đỏ lòm. Thế mà tôi chẳng thấy sợ gì cả, vì anh ấy ôm tôi và xoa đầu rất thân mật. Những anh tây trắng thì thường ngồi lầm lì, lạnh nhạt hơn. Đôi khi hứng lên, họ cho tôi nhiều xúc cù là (chocolat), bánh bit-qui hay đồ hộp nữa..Có lần, một số anh lính tẩy qua cửa, thấy tôi đứng đấy, họ xoa đầu và cho tôi ít tiền lẻ. Thầy tôi thấy vậy, vút cho tôi mấy roi và dặn lần sau không được đứng ra cửa nữa.
Qua lời kể của mẹ và các anh chị lớn, các bác, các chú, sau này, tôi được biết thầy tôi lập gia đình riêng khi mười tám tuổi. Mẹ già của tôi, người sinh ra chị Nhài ( tức là chị Trác – gọi theo tên anh rể tôi) và anh Hổ ( sau đổi tên thành Phan), hơn thầy tôi đến tám tuổi. Khi các cụ đưa thầy đến xem mặt mẹ già, thì thầy chỉ được thấy ba, bốn người nữ đứng trong bếp. Cụ được giao phó “việc giới thiệu” chỉ bảo: đấy! nó đứng trong đó. Thầy nhìn thấy một cô trạc mười tám, đôi mươi, dáng người thon thả và vẻ mặt tươi tắn, dễ coi và Người mừng thầm. Ít lâu sau, đám cưới chu tất rồi, thầy tôi nói chuyện với bác dâu tôi: em nhầm người rồi, bác ạ, người này không phải người hôm trước. Hình như thầy tôi có vẻ buồn, nhưng “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy”, thầy và mẹ già sống với nhau một cách hòa thuận. Năm năm sau ngày cưới, mẹ già sinh hạ con gái đầu lòng ( chị Nhài tôi) và ba năm sau nữa lại sinh thêm anh Hổ. Sau đó, mẹ già bị ‘hậu sản’ và qua đời khi anh Hổ mới được bốn tuổi. Năm ấy, bà 38 tuổi. Tội nghiệp mẹ già tôi. Cuộc đời bà quá ngắn, cuộc đời ấy xẹt qua thế gian này như một tia chớp mùa đông và buồn như tiếng thở dài…Cậu Trạch (em của mẹ già) thường kể về bà như về một người rất hiền lành chậm chạp, đôi khi còn nghễnh ngãng nữa. Một lần, thầy tôi bị quan bắt về việc làm thất thoát của chủ đồn điền khá nhiều thóc. Thóc để chất đống trong kho sau mùa gặt, thầy tôi làm quản lý, nhưng vào những ngày nông nhàn đó thì mải đánh tổ tôm để thủ kho biển thủ mất khá nhiều ( người này đổ tại thầy tôi sai lấy gạo nấu cháo hàng đêm cho các ông đánh tổ tôm bồi bổ). Khi kiểm kho để chuyển thóc về Hà Nội cho chủ đồn điền, cân thóc mới thấy thiếu nhiều, thầy tôi và đồng sự đánh liều đổ nước vào thóc khô để tăng cân, bù vào chỗ thiếu hụt. Không ngờ có kẻ bô báo với chủ, người chủ cho báo với quan phủ, đưa lính về bắt. Lúc lính lục soát trong nhà thấy gói tiền ở đầu giường, họ định giữ, cậu Trạch nhanh trí quát tướng: này! gói tiền của tôi đấy! “ Tiền của cậu á? Cậu lấy đâu ra tiền? tiền ông ấy mới mang về chiều qua mà lị ! ”, mẹ già thật thà vặn lại cậu, thế là tụi lính lấy mất sạch. Thầy tôi chỉ bị đưa lên phủ, phải đền số tiền ứng với lượng thóc hao hụt, rồi được tha. Lão De Montpezat biết thầy tôi hiền và thật thà nên không yêu cầu quan xử nặng, nhưng thầy tôi bị thôi việc. Sau đó là những ngày thầy tôi bắt đầu long đong vất vả, rồi mẹ già đau ốm, chắc thuốc thang cũng không được đầy đủ, bà đã sớm qua đời. Buổi chiều, khi mẹ già vừa qua đời, chưa khâm liệm, thầy gọi anh Hổ vào buồng nhìn mặt mẹ lần cuối, thầy bảo: nhìn mặt mẹ mày lần cuối đi, để nhớ mãi con nhé. Đến nay, đã hơn tám mươi năm kể từ ngày mẹ già qua đời. Bà được mai táng ở quê của bà, làng Đầu Quạt, cách làng Sãi của dòng họ nhà tôi chừng năm, sáu cây số. Khi ‘sang cát’ ( sao lại gọi là ‘sang cát’? có lẽ do đất để an táng sau khi chết được gọi là ‘hung táng’, bốc mộ rồi chuyển hài cốt sang chỗ mới thì gọi là ‘cát táng’, vậy ‘sang cát’ là chuyển sang nơi ‘cát táng’ chăng!?), mộ của mẹ già vẫn đặt ở Đầu Quạt. Cuối năm 2011, Bảo con trai trưởng của anh Hổ, theo lời anh dặn trước khi anh qua đời, đã về quê, bàn với các cô, chú, anh chị em, rồi chuyển mộ bà về nghĩa địa làng Sãi. Vậy là bây giờ hai người mẹ của tôi, nằm cách nhau chừng 20 mét trong lòng đất quê chồng để đạt được nguyện vọng ‘sống quê cha, chết làm ma quê chồng’ như người xưa chỉ dạy. Khi cháu con chuyển mộ cho bà, thì được thấy cỗ quách (bao ngoài tiểu sành) bằng gỗ vàng tâm còn tốt nguyên, đen bóng. Một đầu quách, có chữ Thọ khắc trong khung tròn, ở đầu kia, cũng chữ Thọ nhưng khắc trong khung vuông. Tôi đoán chữ Thọ tròn chỉ phía đầu của hài cốt, còn chữ Thọ vuông – phía chân, trời tròn, đất vuông mà. Một bác già khoảng 80, là vai em họ tôi, cũng nhận xét như thế. Bác này chỉ võ vẽ chữ Nho nhưng còn hơn hẳn tôi, chắc đã từng nghe các cụ giảng giải thế. Ôi! Cái chặng đường về làm ma quê chồng của mẹ già tôi không quá 10 cây số mà trải qua quãng thời gian hơn 80 năm trường, thật là quá dài đối với thế gian này, nhưng liệu có ý nghĩa gì không đối với nơi không tồn tại nữa những khoảng cách thời gian, không gian!?
Sau ngày mẹ già mất, thầy gửi chị Nhài và anh Hổ về quê sống với ông nội. Tôi không biết mặt ông nội vì Cụ đã mất trước khi tôi ra đời. Sau này nhìn thấy hình ông nội trên bức ảnh chụp chung với gia đình chú Dung và ông Đội ( thân sinh của chú) tôi mới biết ông tôi có dáng người nhỏ nhắn rất nho nhã, bên cạnh ông Đội, là em rể của ông tôi, to lớn quắc thước. Theo các cô chú tôi kể lại, ông tôi cả đời không làm việc gì, chỉ ngồi nhà ngâm thơ, đọc sách hay chơi diều trên cánh đồng. Nhà có dăm mẫu ruộng trước cho cấy rẽ sau để cho con cháu trong nhà cầy cấy, việc trông coi ruộng nương, tay hòm chìa khóa đều giao cho các cụ bà. Nói là các cụ bà, vì ông tôi có bà cả được hơn 10 năm thì bà mất. Cụ ông ‘tục huyền’ với bà hai. Rồi ba hai cũng lại mất trước ông tôi.Về sau, ông sống với gia đình tôi cho đến năm 1947 thì qua đời, thọ 73 tuổi. Mẹ tôi còn nhớ mấy câu thơ ông nội tự trào như sau: “ bé thì nhờ mẹ, nhờ cha, xuân xanh nhờ vợ, tuổi già nhờ con”. Cả đời ông tôi sống nhàn nhã theo kiểu “vô vi” như Lão Tử (?). Anh Quyết , cháu đích tôn của ông còn kể chuyện, có một vài bà già ở tận Đò Cậy, cách làng tôi khoảng 7 cây số , vào những năm 1950, thỉnh thoảng gặp người làng tôi qua đó còn hỏi ông cụ Hai còn khỏe không. Ông ấy vui tính lắm, dạo trẻ chúng tôi qua Sãi mua thóc, ông ấy cứ trêu ghẹo, đùa bỡn, vui lắm. Sỡ dĩ ông tôi có thể sống an nhàn cả đời là vì sinh thời Cụ nội tôi từng đỗ cử nhân và làm quan huyện khá lâu. Một ngày, cụ tôi qua Hưng Yên đốc thuế, bị nghĩa quân Bãi Sậy chặn đường và đã tử thương bởi làn đạn bắn nhầm của họ. Thật ra, họ phục kích để bắn ông Phủ Bình Giang, người gây nhiều oan trái với nghĩa quân, nhưng không ngờ bắn nhầm vào đoàn công cán của Cụ. Người chỉ huy toán nghĩa quân này vốn là học trò của Cụ và thường giữ liên lạc với thầy học cũ. Biết là bắn nhầm, ông ấy dẫn cả đoàn quân mấy chục người đeo khăn tang , đội các mâm lễ vật sang nhà viếng, xin tạ lỗi. Nghe đâu có đến mười mấy mâm đầy bạc nén. Trước việc đã rồi và sự chân thành của những người đang gánh vác việc chống xâm lăng, phục quốc, dòng họ nhà tôi đã chấp nhận lễ đó và nhận ông chỉ huy nghĩa quân là nghĩa tử của Cụ. Sau này, nghe nói ông ấy cùng cụ Tán Thuật tử thủ tại Bãi Sậy và đã hy sinh oanh liệt. Cụ tôi mất, chính phủ Nam triều và nhà nước bảo hộ cũng bồi thường một khoản khá lớn, lại cho các con trai cụ được hưởng trợ cấp trong một thời gian dài.
Tính đến đời Cụ tôi, dòng họ Vũ Duy chúng tôi đã trải qua được năm đời ở làng Sãi, một làng nhỏ nằm bên bờ sông Sặt, rất gần cầu Thịnh Vạn. Từ làng sang chợ Sặt ( thị trấn Kẻ Sặt, huyện Bình Giang, tỉnh Đông), đi bộ chậm cũng chỉ hết mười lăm phút, nghĩa là chỉ dài khoảng một cây số.Không biết làng đó được lập ra từ bao giờ, chỉ biết khi cụ tổ họ Vũ Duy đến lập nghiệp ở đó thì cả làng chỉ có mươi nóc nhà. Khi ấy gia đình cụ chỉ có hai bố con, cụ tổ và người con trai của cụ.Gia phả của dòng họ nay chỉ còn bản quốc ngữ, bản chữ Nho, không biết thất lạc từ bao giờ. Nghe anh Quyết kể, thì thày tôi cũng giữ một phiên bản chữ Nho. Ngày bé, tôi đã nhìn thấy một số sách, vở chữ Nho trong tủ sách gia đình. Năm 1971, lụt lớn ở Đông Thành, trong khi chỉ có một mình mẹ tôi ở nhà, tất cả số sách vở trong tủ bị ướt và trôi đâu mất, may mà văn tự nhà mẹ còn giữ lại được. Theo bản gia phả viết bằng quốc ngữ, có tới vài ‘bản sao’ mang nội dung khác nhau ( thật ra đó là những bản gia phả do một số chi họ tự soạn riêng), thì cụ tổ vốn gốc ở Hải Hán ( không rõ đây là tên thôn hay tên xã), huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa.Gia phả còn ghi: mộ cụ tổ của dòng họ Vũ Duy ở Thanh Hóa, nằm gần chợ Hải Hán ( chợ Còng?), trong một thửa đất hình con quạ, nhận chợ Hải Hán làm ‘ bút tiền quan’- nghĩa là ngôi mộ hướng về gò đất của chợ Hải Hán, gò đất này, cây cối ùm tùm, nhìn từ trên cao xuống thì thấy gò đất đó có hình dáng giống như ngọn bút lông chỉ lên trời. Tục truyền rằng , mỗi khi chợ Hải Hán cháy ( tức là ngọn bút sáng lên) thì có người trong họ đỗ đạt. Năm 1675, cụ tổ đến lập nghiệp ở làng Sãi, không rõ lý do gì khiến cụ bỏ quê hương Thanh Hóa đến làng Sãi lập nghiệp, mà lập cái nghiệp gì chứ, trong khi làng Sãi vẫn cứ nghèo xơ, nghèo xác đến tận bây giờ (!). Mấy năm vừa qua , tôi đã về phố Còng ( thị trấn Tĩnh Gia) để gắng tìm cho ra làng quê gốc gác của dòng họ tôi. Tuy không tìm được , nhưng được một người họ Vũ ở gần chợ Còng cho biết vào thế kỷ 17 ( 1678 ) có một cụ tên gần giống cụ tổ của tôi do bị triều đình tầm nã, đã trốn ra Bắc cùng hai người con trai, rồi không bao giờ trở lại Thanh Hóa nữa. Dòng họ của người này vốn xuất phát từ làng Mộ Trạch, Bình Giang, di cư vào Nghệ An, rồi lại trở ra, định cư ở Thanh Hóa. Nghe nói thế tôi trộm nghĩ, có thể cụ tổ họ mình cũng vì một lý do gì mà dời Thanh Hóa, định tìm về đất tổ Mộ trạch, nhưng rồi thấy không thể dung thân ngay ở nơi đất tổ, đành phải ra tận cánh đồng bờ sông Sặt tìm kế sinh nhai. Rồi từ đó , đời này qua đời khác, hình thành lớp con đàn, cháu đống ở cái làng nghèo mạt này cho đến tận thời ‘dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh’ ngày nay.
Nói về gia phả, lại thấy có sự buồn…cười vì vẫn hiện hữu hai bản gia phả sao ( bằng quốc ngữ) có nội dung hơi khác nhau. Cái sự khác nhau ấy hình thành ở chỗ có một chi họ muốn “upgrade” cho một thế hệ lên cao hơn ( có thể gọi là “ lên đời” đấy, nhưng không phải lên đời tức là theo một mốt mới như lên đời ô tô, xe máy đâu. Sự lên đời này chẳng để “ăn bàn, uống giải gì” mà chỉ để một số ông “ râu dài đến rốn” đỡ phải gọi những gã trẻ ranh hay những thằng bé con là chú , là bác , thậm chí là ông nữa. Số là vào đời thứ ba ( kể từ đời cụ tổ Vũ Duy – làng Sãi) họ Vũ Duy bắt đầu hình thành năm chi họ. Trong sơ đồ gia phả , có cây phả hệ của một chi không được rõ ràng. Cái khổ nhất là trước đây các cụ , nhất là những cụ có chút quyền hành thường kiêng gọi tên “ củ” của mình nên thường lấy tên con để gọi thay. Trong một vài trường hợp, gia phả bị thất lạc, khi lập lại thì có thể do cả mấy ông, con cùng dùng một tên ( cụ X, đến ông X, rồi anh X), thế rồi đâm ra nghi ngờ và dẫn dến chỗ chi thứ hai của dòng họ cho rằng không có một ông X., chẳng hạn, mà chỉ có cụ X sinh ra anh X. mà thôi. Thế là anh X. nghiễm nhiên được lên một đời. Năm 1976, tôi về thăm làng vào một ngày xuân, gặp ông bác họ là người thuộc chi tôi, lúc đó ông đang đứng ra nhận trách nhiệm soạn lại gia phả ( bản sao quốc ngữ) vì bản chính ( bằng chữ nho) và những bản sao trước đây ( bằng quốc ngữ) của chi họ đã bị thất lạc. Ông đưa bản sơ đồ phả hệ ra cho tôi xem. Nói về chi thứ hai, ông ngậm ngùi bảo có một đời không xác định được rõ, mà chi thứ hai thì là chi có một số người hiện đang đảm nhận trọng trách của nhà nước, vì vậy chi bên ấy cho rằng không có ‘ đời’ đó. Bác tôi bảo : lẽ ra đồng chí H và đồng chí O. , theo vai vế trong họ, gọi tôi bằng ông và gọi anh bằng chú đấy, nhưng các đồng chí ấy đang là cán bộ lãnh đạo, các đồng chí đã ủng hộ ý kiến như vậy thì chắc là … đúng , ta nên chấp hành thôi. Tôi rất ngạc nhiên về điều này, vì mẹ tôi thường kể chuyện lại rằng, trước đây , mỗi lần từ quê ra chơi, mẹ của đồng chí cán bộ nói trên khi đến nhà tôi vẫn gọi thầy mẹ tôi là ông bà ( theo kiểu gọi thay con) và xưng cháu. Anh trai tôi cũng nói rằng vào năm 1945, khi cách mạng thành công, đồng chí H. từ Côn đảo trở về nhận một trách nhiệm trọng đại trong chính quyền ở tỉnh Đông, gặp anh tôi đồng chí vẫn gọi anh tôi bằng chú, xưng cháu, cẩn thận, dù khi đó anh tôi chưa đầy hai mươi tuổi.. Anh tôi còn bảo đồng chí H. là người có trí nhớ tuyệt vời, khi nói chuyện với anh tôi về một vấn đề nào đó của triết học Marxisme, đồng chí có thể đọc một đoạn dài bằng tiếng Pháp rất chuẩn và bảo anh tôi về nhà giở cuốn sách này, cuốn sách kia ra xem, có đúng không. Sau này, năm 1979 vào nam, tôi lại có dịp đọc một bản gia phả do một ông chú họ ( ở chi dưới) lập ra trước 1975. Hai sơ đồ phả hệ mà tôi được xem, một của ông bác, cũng là một cán bộ tầm cỡ ở tỉnh Đông, một của ông chú họ là người “Bắc 54” , giống nhau đến từng chi tiết , khác chăng chỉ là cách hành văn. Ông bác tôi kể trên là một người rất hiền lành, đúng mực, cả đời cống hiến cho sự nghiệp mà mình theo đuổi. Năm 1977, ông về hưu, Tỉnh gợi ý cấp cho ông mấy vạn gạch để xây nhà ở quê, ông bảo với những người có trách nhiệm rằng: nhà tôi tạm đủ sinh hoạt rồi, các đồng chí dành cho những đồng chí khác có hoàn cảnh khó khăn hơn. Một, hai năm sau, tôi về thăm ông, thấy ông sống trong một ngôi nhà gạch mới xây, rộng hai mét rưỡi dài chừng ba mét, cái đòn tay thấp tè, tôi cao có mét sáu mà không cần kiễng chân, với tay , cũng có thể chạm vào nó rồi. Trong căn “nhà” gạch nền đất nện, ông kê một cái giường cá nhân rộng tám mươi phân và một giá sách nhỏ chất đầy sách chính trị phổ thông và một số tuyển tập Mác, Ăng ghen, Hồ Chí Minh. Trời nóng, ông xoay trần, phe phẩy chiếc quạt mo cau và mải mê đọc sách. Ông sống thanh thản như vậy được vài năm, rồi mất. Trước năm 1954, ông cũng từng đi tù ở Côn đảo, chắc cũng đã từng nằm trong một cái cachot chật chội, rộng tám mươi phân, dài mét tám, cao không quá mét rưỡi. Lúc làm việc, nghe nói ông là Trưởng ban Thanh tra của Tỉnh. Khi còn bé, đã nhiều lần tôi đến cơ quan ông, mục đích là để đứng ở phòng của ông trên gác ba, nhìn xuống bãi terrain, xem “cọp” những trận tranh giải “ chân giầy” của tỉnh hay các trận giao hữu của các đội bóng từ Hà Nội, Hải Phòng đến tỉnh Đông. Phòng của ông đối diện với khán đài A của sân bóng.
Gia dình Bà “ nội”
Chắc người đọc thấy có cái gì đó kỳ cục khi tác giả đưa chữ nội vào trong ngoặc kép? Bà nội là người sinh ra bố mình, đúng thế. Song người sinh ra người chồng trước của mẹ mình ( người mà ở nông thôn miền Bắc thường được gọi là “bác dượng”) thì phải gọi bằng từ nào? Ông bà nội, ngoại của tôi đều mất trước khi tôi ra đời. Chỉ có bà là người duy nhất mà mẹ tôi bảo chúng tôi gọi là bà và kính trọng như bà nội của minh. Trong ký ức của tôi thời thơ bé, bà có vóc dáng cao lớn, thô ráp. Tôi nhớ, những lần bà sang nhà tôi lấy nước vo gạo để mang về nấu cám lợn, bà xách hai tay hai thùng mười lăm lít gần đầy nước gạo và đi nhẹ băng băng. Cổ tay của bà to cái chày giã cua, hai bàn tay với mười ngón thô ráp như củ sắn tàu loại nhỏ, chưa bóc vỏ. Lưng bà rất thẳng, xương sống dường như không cong chút nào, dù khi đó bà đã gần bảy mươi tuổi. Bà thường mặc bộ đồ nâu: áo cánh rộng bằng vải thô nhuộm nâu, quần láng đen may kiểu chân què, thường xắn cao, đi chân đất hay đi đôi dép mỏng tang mà tôi không còn nhớ nó làm bằng vật liệu gì, đôi khi tôi cũng thấy bà đi đôi guốc mộc, rất mòn nữa. Nền nhà tôi rất cao, có đến năm bậc thềm từ dưới tô tòa lên đến nền. Bà thường bị sưng khớp gối nên cứ xuống mỗi bậc bà lại phải nghỉ một lần. Xuống đến tô tòa thì bà thẳng lưng, đi một mạch về nhà, với mỗi tay, xách một thùng nước vo gạo.
Nhà bà ở cùng phố với nhà tôi, cách nhau chỉ một số nhà. Nhà tôi số 15, nhà của bà số 19. Chỗ đó thật ra là một dinh cơ rộng gồm bốn căn mặt phố xen giữa là một cổng lớn đủ cho một ô tô nhỏ hoặc một xe bò-kéo ra vào thoải mái. Đi qua dãy nhà mặt phố, gặp một sân gạch rộng như sân quần vợt, rồi đến một nhà ngói năm gian bề ngang rộng tới mười tám, mười chín mét. Ba gian giữa là nhà thờ tổ với đầy đủ án thư, sập gụ, tủ chè, hoành phi, câu đối …. Ở hai gian đầu hồi đều có gác xép nhỏ, cao trung bình không đầy ba mét, sàn gỗ. Hai căn gác xép ấy thật tối tăm, và có vẻ rất bí hiểm. Bên phải nhà thờ là một nhà ngang rất rộng bao gồm một gian nhà kho và khoảng trống có mái che, có tường bao, có lối ra vào nhưng không có cánh cửa, có thể dùng làm nhà ăn hay nơi chế biến, chuẩn bị cỗ bàn hoặc để thóc lúa, đồ đạc như xe tay, ba gác hay cả xe bò nữa. Đằng sau khu nhà ngói năm gian là một dãy bếp, nhà tắm cách nó một khoảng sân hẹp. Đằng sau nữa là khu nhà vệ sinh ở bên một cái ao công cộng rộng cả trăm mét vuông, phủ đầy bèo tấm và bèo tây.
Dinh cơ này do cụ Nhất Phúc, chồng của bà “nội”, tạo lập từ thập niên hai mươi của thế kỷ trước. Tôi nhớ rõ trên cổng có ghi con số 1923. Theo lời mẹ tôi kể lại, cụ Nhất là một địa chủ giàu có tiếng ở Đông Thành. Cụ có cả mấy chục mẫu ruộng ở ven thị xã, thuộc các làng Tân Kim, Bảo Sài…… Sau mùa gặt hàng năm , thóc của cụ được đóng bao, xếp đầy đến nóc một căn nhà mặt phố và một nhà kho.Thóc của cụ nhiều đến mức, ông con cả của cụ ( bác dượng của tôi), một tay chơi có hạng ở Đông Thành thủa ấy, nhân khi cụ đi vắng gọi người vào bán mấy xe bò thóc lấy tiêu tiêu vặt, mà cụ vẫn không biết. Những ngày nắng ráo, cụ cởi trần cùng con cháu và người ở đổ thóc ra phơi ở sân và đôi khi phơi cả trên tô tòa trước nhà nữa. Trời phú cho cụ một thân hình lực lưỡng, cao đến mét tám, mặt mày phương phi với làn da nâu bóng. Người ta cứ bảo địa chủ là những kẻ “ ngồi mát ăn bát vàng”, nhưng với ông cụ này thì điều ấy nào có đúng. Cụ làm quần quật suốt ngày, mà ăn uống, sinh hoạt rất kham khổ, hà tiện. Mẹ tôi kể, cứ mỗi bữa cơm, khi cả nhà mười mấy người ngồi vào mâm, cụ lại quát: Ốc nhồi, đi mua một kèng nước mắm. Ốc nhồi là biệt hiệu của ông con thứ của cụ. Ông này về sau trở thành một sỹ quan của quân đội Liên hiệp Pháp, bị các tay súng bắn tỉa của Việt Minh hạ thủ trong một trận càn ở mạn Ninh Giang , Thái Bình, khi ông vừa được phong thiếu úy.
Tính hà tiện của cụ có thể nói đạt đến mức khắc nghiệt, tàn nhẫn. Đơn cử một vài trường hợp:
Có lần bác dượng tôi đi đá bóng ( ông này là thủ môn chính của đội bóng đá Đông Thành hồi đó), bị tây đá vào ngực , về nhà ho ra máu. Cụ gọi thầy lang vào cắt thuốc, nhưng chỉ cho cắt đến thang thứ ba thì dừng và phán : “cơm ba bát , thuốc ba thang, không khỏi thì ra nghĩa địa”. Tất nhiên là mẹ tôi phải tự lo liệu để tiếp tục thuốc thang cho bác dượng.
Lần khác, sau ngày bác dượng tôi mất ( sau lần bị tây đá vào ngực, ông vẫn tiếp tục đá bóng cho đến một hôm , khi đội bóng thi đấu ở Ninh Giang về, xe hơi chở họ đến cổng Trông, đầu phố nhà tôi, xe đang chạy khá nhanh mà ông đã “ bông nhê” xuống và ngã đập ngực xuống đường đá, ngất đi. Anh em khiêng về nhà, vài tháng sau đó cứ liên tiếp thổ ra máu rồi qua đời, để lại người vợ trẻ và con gái chưa đầy 3 tuổi), mẹ tôi muốn làm lễ cúng 100 ngày cho tươm tất, nhưng Cụ không cho làm thế , cụ bảo chỉ bát cơm, quả trứng là đủ. Mẹ tôi khóc ròng, lại bị quát mắng: muốn khóc cứ ra mồ mà khóc , nghe không?
Bà “nội” của tôi là người vợ kế của cụ. Tôi không nghe kể gì về bà cả, chỉ biết bà cụ ấy mất lâu rồi Cụ Nhất mới cưới bà kế. Bà nội cũng đã có một đời chồng trước. Kết quả của cuộc hôn nhân ấy là bác Cả Chính con trai của bà và còn những ai nữa thì tôi không rõ, không nghe mẹ tôi kể gì về các vị ấy. Hình như sau khi ở với bà nội ba bốn năm gì đó, cụ Nhất lại cưới thêm bà Ba. Bà Ba trẻ đẹp hơn bà nội , da rất trắng, dáng người nhỏ nhắn, nghe nói cụ Nhất mê và chiều bà Ba lắm. Bà được cụ Nhất mua cho một khu đất riêng, trong đó có một ngôi nhà nhỏ nằm giữa vườn cây rợp bóng mát ở một phố vắng bây giờ gọi là phố Nguyễn Trãi. Bà Ba chỉ sinh được một người con trai, ông Đồng, trong khi bà nội sinh tới mấy lần và có với cụ Nhất bốn người con trai: ông Lăng ( bác dượng tôi), ông Sửu, ông Trường và ông Tấn . Với bà nội, có thể nói cụ Nhất vô cùng tàn nhẫn. Bà phải làm quần quật suốt ngày cùng với những người ở, quần áo lúc nào cũng lôi thôi , lếch thếch, không bao giờ được bàn bạc gì về việc nhà, ngay cả chuyện cưới vợ cho các con . Mẹ tôi kể, mỗi lần gặp chuyện bực tức hay do bà tôi làm hỏng một việc gì, Cụ Nhất túm tóc, lôi bà tôi vào trong gian đầu hồi, cụ ấy lột hết quần áo của bà, bắt nằm sấp trên giường, rồi rút guốc đánh túi bụi vào bất cứ vùng nào trên cơ thể, trừ có phần đầu. Sau những lần chứng kiến việc đó, mẹ tôi phải xoa dầu khuynh diệp và bóp cho bà mấy ngày mới đỡ. Mẹ tôi làm dâu nhà cụ Nhất khi đã 24-25 tuổi ( hơn bác dượng khoảng 5 tuổi), mẹ tôi lại là con út của một cụ Đề-lại, được nuông chiều từ nhỏ, lại có lưng vốn hồi môn kha khá, nên dù sao cụ Nhất cũng đối xử với mẹ tôi một cách từ tốn hơn, mặc dù mẹ tôi cũng vẫn phải làm quần quật tối ngày cùng những người ở. Một lần mẹ tôi xin với Cụ: Thưa Thầy, Đẻ con dù thế nào thì bây giờ đã có tuổi, đã có dâu, có rể ( mẹ tôi nói thuận thế thôi, chứ cụ chỉ con con trai thôi, thì làm gì có rể), Thầy làm vậy, tránh sao thiên hạ khỏi chê cười. Con cúi xin thầy từ nay không đánh đập Đẻ con như thế nữa. Cụ quắc mắt cười gằn: À, cái nhà chị này ghê gớm nhỉ. Đừng có ỷ là con nhà quan mà láo lếu. Tao đánh tuốt xác , nghe không! Nói vậy, nhưng từ đó cụ không đánh bà nội tôi theo kiểu ấy nữa, tức lắm , cụ chỉ đạp cho mấy đạp mà thôi.
Trong nhà ai cũng nơm nớp sợ cụ, trừ ông con cả của cụ. Như phần trên tôi đã nói, ông là một tay chơi có hạng ở Đông Thành hồi đó. Em trai út của ông, ông Tấn nói chuyện với tôi sau này ( chắc ông Tấn cũng nghe ai kể thôi, vì khi bác dượng tôi mất, ông Tấn mới lên năm, lên sáu là cùng) rằng ông anh cả của ông , vào những ngày đông rét mướt dám choàng một chiếc ba đờ suy dài, kẹp ở hai nách hai cô đào hát, ba người lùng bùng trong cái áo choàng ấy mà đi diễu khắp phố thị, mà Đông Thành hồi đó nhỏ xíu vời dăm ba phố vắng, dường như mọi nhà đều biết về nhau cả.
Ông cả Lăng chỉ học hết lớp nhất ( ở Đông thành ngày ấy trường công chỉ có lớp nhất là cao nhất, muốn học lên nữa phải lên Hà Nội hoặc học trường tư thục, mà trường tư thục cũng chỉ có đến Đệ tứ là cùng). Học xong cái lớp “thượng đẳng” ấy của phố thị Đông thành, ông bắt đầu một cuộc giao du, chơi bời cho đến lúc mất ( khi mới vào tuổi 22). Không rõ vì lý do gì mà dù nhà giàu có là thế , cụ Nhất đã không cho ông lên Hà Nội tiếp tục học trung học.Chỉ biết khi ông cưới vợ ( cưới mẹ tôi) , vào năm 19 tuổi ông đã là một thủ môn cừ của đội bóng đá chân giày của Đông Thành. Các bạn trẻ đừng cười khi tôi nói đến “chân giày” vì ngày nay có đội bóng nào mà cầu thủ của nó không đi giày đâu. Thời đó và mãi sau này, khi tôi đã ngoài 20 tuổi, ở miền Bắc vẫn có hai hạng đội bóng: “chân đất” và “ chân giày”, cầu thủ các đội thượng hảo hạng mới được đi giày, thi đấu trong sân. Mỗi buổi thi đấu bóng đá, trước khi hai đội chân giày vào sân, thường có một trận đấu của “chân đất” giữa hai đội “ lông gà”, “lông vịt” nào đó - bọn trẻ chúng tôi thường gọi đùa thế với các đội chân đất, “vô danh tiểu tốt”. Tất nhiên là nói cho nhau nghe thôi, chứ có tay “ chân đất” nào thấy một thằng trẻ con nói vậy thì tay ấy đuổi cho chạy cùng bãi đến khi túm được cổ thằng nhóc mà vặn cho gần đứt tai mới buông tha.
Ông Cả Lăng có một người bạn là ông Trưởng Khánh ( các bố, con nhà giàu, nhưng chẳng học hành đỗ đạt gì, cũng chẳng đăng lính, đánh đấm ai… chẳng có một chức danh gì để gọi kèm theo tên, nên cứ dùng “cả” hoặc “trưởng” cho oai chăng. Ngày trước cậu cả con nhà giàu cũng có quyền hành trong nhà ra phết. Chẳng thế mà có câu: “cậu cả con bà hai” dùng để mỉa những người có tiếng mà không có miếng). Ông Trưởng Khánh cũng là một thủ môn giỏi, sau này đến những năm năm mươi, sáu mươi vẫn còn làm trọng tài cho các trận bóng đá ở Đông Thành. Hai ông thân nhau đến mức, ông Trưởng bảo ông Cả: mày oách thế mà lấy vợ già, nhà quê; ông Cả đáp lại : vợ tao hơi già nhưng rất đẹp, còn hơn vợ mày méo mồm…
Ông Cả sinh thời chẳng làm ăn gì, chỉ chơi bời, khi đá bóng, khi chọi gà, khi cô đầu, con hát. Cũng có thể đôi lần ông ghé thăm ‘nhà thổ’ nữa. Song tuyệt nhiên ông chẳng nghiện ngập gì, người rất khỏe mạnh, đẹp trai, sang trọng với những bộ cánh âu phục đắt tiền, kèm theo hàng tá ca-vát, giầy đủ loại, đủ kiểu và nhiều màu sắc. Mỗi sáng, sau khi gọi người nhà mua đồ ăn sáng, ăn sáng xong, ông mặc một bộ cánh mới, xọc chân vào một đôi giày mà ông thấy hợp gu với quần áo và miệng huýt sáo, chân nhún một điệu nhảy đầm nào đó, thế là ông đi “ mút chỉ” đến trưa. Sau giấc ngủ trưa , mọi hoạt động của ông lại diễn ra như buổi sáng, nhưng thường thì một tuần có vài buổi ông đi tập đá bóng cùng đồng đội. Ở tỉnh lẻ , ngày xưa, gọi là đội bóng cho có vẻ quy củ, chứ thật ra tổ chức của nó không chặt chẽ hơn các nhóm trẻ chăn trâu là mấy. Khi tôi chừng 10 tuổi , tôi còn chứng kiến một số buổi tập và trận đấu của đội bóng nhất hạng của tỉnh nhà. Cả đội tự tập với nhau theo kiểu chia hai bên, hàng công- hàng thủ, đá với một gôn thôi. Chẳng thấy huấn luyện viên đâu, chẳng tập thể lực, thể hình hay chiến thuật gì, mạnh ông nào, ông ấy ba-lê (baller- múa may, ám chỉ dắt bóng qua lại) rồi sút vào gôn. Mỗi buổi thi đấu thì cũng thấy có ông đeo băng đội trưởng và một ông không hiểu giữ trách nhiệm gì, mà cuối trận thì ông ấy phát cho mỗi cầu thủ khoảng một đồng (nghĩa là đủ để ăn khoảng bốn bát phở tái). Có lần tôi thấy một anh tiền đạo của đội tuyển bị đốn ngã, dập mặt bởi một hậu vệ bất đắc dĩ (anh này không ở trong đội, nhưng khi ra bãi tập, thấy thiếu thì đội gọi vào đá tạm, lấp chỗ trống).Anh tiền đạo ấy là em ruột của một ông lính pa ti dăng, rất giỏi Giuy đô.Ông ấy bán nước mía ở cửa sân bóng. Nghe em mình bị đánh, ông ấy vác con dao chặt mía đuổi anh hậu vệ chạy cùng sân, đến nỗi anh này phải vượt tường sân bóng, băng qua phố rồi lủi vào đồn công an để cầu cứu. Cung cách đá bóng ở tỉnh lẻ ngày trước có lẽ phần nhiều là thế. Chẳng thế mà có lần một thầy giáo dạy văn của tôi mắng mấy thằng nghịch ngợm chúng tôi rằng các anh mất dạy như lũ đá bóng vậy. Tôi rất bức xúc với lời chỉ bảo ấy của thầy, nhưng phải công nhận là về khoản ấy chúng tôi còn thua xa các đàn anh cầu thủ.
Ông Cả cứ chơi bời như thế tối ngày, nhưng đêm thì thường ngủ ở nhà, trừ những khi bù khú đã đời với bạn bè, với đội bóng. Nhìn thấy mẹ tôi lam lũ trong khi làm việc nhà, ông bảo: “ mày cứ ăn mặc như con ăn mày vậy sao?”. Mẹ tôi trả lời “ anh không thấy thầy, đẻ ăn vận ra sao à? Các cụ còn lam lũ thế mà mình dám ăn trắng mặc trơn à?”. Ông cười khẩy: “Ồ, tao thì mặc kệ, ai thích kiểu gì thì cứ việc, tao thì cứ phải thật sang… Đời người được mấy giấc mơ…”
Khi có người con gái đầu lòng, ông rất thích, rất quý, nhưng không mấy khi ông nhìn đến con và chẳng bao giờ bế con cả. Ông bảo, nó bé quá , sợ lọt tay thì khốn.
Thế rồi khi chị tôi ( chị Phương) chưa đầy một tuổi thì ông qua đời. Rồi chị tôi cũng mất khi vừa tròn 18 tuổi, năm 1951. Mãi đến năm 2000, tôi mới được Hòa, con ông Trường, dẫn ra nghĩa địa, thắp hương cho chị và cho ông Cả. Khi đó, hai nấm mộ mới được quy tập về bên cạnh nhau và được xây bằng đá rửa, màu trắng, nghe nói ông Sửu định cư ở Hoa Kỳ tài trợ và ông Tấn lập bia. Tôi cúi đầu, chắp tay vái lạy trước hai nấm mồ ấy và trong lòng bâng khuâng khôn tả. Không có tấm di ảnh nào của hai vị, nhưng trong tâm trí tôi, hiển hiện hình bóng người đàn ông khá cao lớn, trắng trẻo, mạnh khỏe trong bộ đồ cầu thủ với nụ cười hóm hỉnh nhưng thật độ lượng, bao dung, bên cạnh đó là người con gái nhỏ nhắn, ốm yếu mặc bộ áo dài màu nâu như một ni cô của một chùa nào đó.
Khi ông Cả qua đời chắc là bà nội tôi đau xót lắm, nhưng tôi nghĩ rằng bà tôi không gào khóc thảm thiết, vì theo những gì tôi thấy, lúc nào bà cũng trầm buồn, lặng lẽ nuốt sự sầu hận, buồn thương vào trong tâm khảm. Hôm thằng Quý, con út của ông Trường mất, lúc ấy nó mới chưa đầy 5 tuổi, bà cũng không gào khóc mà chỉ lặng lẽ điều khiển con cháu trong nhà chuẩn bị mai táng cho đứa bé xấu số. Tính bà thế. Có lẽ bà đã trải qua quá nhiều thương đau, sầu tủi đến độ không còn mấy nước mắt để khóc nhiều cho những trường hợp tương tự nữa. Bà cũng rất hiền, chẳng thấy bà đánh đòn hay mắng mỏ con cháu bao giờ. Có lần , thím Trường và thím Tấn cãi nhau, rồi lăn xả vào nhau, bà cũng chỉ nhờ người lôi ra, rồi bà đẩy các thím, ai về nhà nấy. Tôi cháu (hờ) nhưng bà cũng coi như thằng Hòa, thằng Quý. Mỗi lần sang chơi nhà Hòa, có quà cáp gì bà đều chia cho cả ba thằng như nhau.
Có một lần , không nhớ nghe ai nói mà tôi biết thằng Dũng không phải con đẻ của bác cả Chính ( con riêng của bà) mà là con chú Sửu, người đã di cư vào Nam năm 1954. Dũng bằng tuổi Quý, khá mập mạp, khỏe mạnh nhưng rất nhát, thường bị em trai tôi bắt nạt. Biết chuyện ấy, tôi đã trêu nó và nó về mách bà. Bà giận lắm, mấy ngày bà không nói gi cả khi gặp tôi sang nhà chơi. Bẵng đi ít lâu, một hôm bà gọi tôi vào nhà và bảo: “Thằng Dũng là con bác Cả Chính, không phải con chú Sửu, cháu phải nhớ thế nhé”.Tôi vâng lời bà, từ đấy tôi lại gọi Dũng bằng anh, cẩn thận. Lần khác, không biết thằng Hòa tức gì tôi từ trước mà tôi đang ngồi chơi thuyền giấy ở cạnh vũng nước ven đường ( đang chảy mạnh sau cơn mưa lớn) thì Hòa đạp mạnh vào đầu cho ngã dúi xuống nước rồi chạy biến về nhà. Tôi vùng dậy nhặt hai hòn gạch củ đậu đuổi theo đến tận cổng. Hòa chạy vào sân, đóng chặt cổng lại. Tôi đập mạnh viên gạch vào cánh cổng và gào thật to, chửi rủa Hòa. Bỗng cánh cổng bật mở, ông Tấn cao to lừng lững xuất hiện, tôi chưa kịp chạy thì bị ông tóm cổ.Không nói năng chi cả, ông dẫn tôi về nhà giao cho mẹ tôi và nói nhỏ trong giọng cười gằn, giận dữ: Nó vừa gọi tên bố thằng Hòa ra để chửi đấy. Hôm đó, tôi bị một trận đòn nên thân. Rồi cả mấy tuần sau, tôi không dám sang nhà bà, cho đến một hôm Hòa đến để dàn hòa và rủ tôi sang sân nhà đá bóng.Gặp tôi ở sân, bà không nói gì chỉ nhìn tôi với con mắt thật buồn. Dăm hôm sau, bà bảo Hòa gọi tôi vào nhà và chỉ nói vài lời ngắn gọn, bảo ban: hai anh em chơi với nhau phải hòa thuận, khôn ngoan đối đáp người ngoài… Tôi và Hòa chỉ còn biết im lặng vâng lời. Thật ra, hai đứa chúng tôi chẳng mấy khi đánh nhau. Hòa to khỏe , hiền lành nhưng hơi cục, tôi thì bé nhỏ nhưng khá lanh và hay to mồm lấn át Hòa.Tuy nhiên, khi thâý hắn sắp nổi nóng thì tôi lảng ngay. Đôi khi, những xích mích cũng xảy ra từ những chuyện đùa cợt. Sau năm 1954, ở miền Bắc, sự kỳ thị đối với những người làm việc cho chính quyền cũ còn rất nặng nề.Trẻ con thường bắt chước rất nhanh những lời lẽ kỳ thị mà người lớn thường nói hằng ngày.Vì thế, có lúc tôi gọi Hòa là con ông “ xỏ giầy nhầm”, còn Hòa ức quá nói bừa rằng tôi là con ông xếp bốt, thật ra, thầy tôi chỉ làm “Xu ba giăng” ( nói bồi theo một từ tiếng Pháp ‘ surveillant ’ bây giờ gọi là người đốc công/ người cán bộ kỹ thuật giám sát thi công hay tổ trưởng của một tổ công nhân ) ở một mỏ than ngoài Hồng Gai, những người phu mỏ dưới quyền cứ gọi đại là xếp, lâu dần thành quen. Chính cái sự quen gọi này đã làm tôi nhiều lần khốn khổ. Thí dụ, khi tôi học xong trung học chuyên nghiệp, các thầy định giữ lại trường để dạy các khóa sau, người ta thẩm tra lý lịch ở UBHC khu phố và một ông cán bộ dở hơi nào đó lại xác nhận rằng thầy tôi là sỹ quan quân đội cũ, thế là tôi phải ra trường, sung vào các đội tìm kiếm địa chất, lặn lội khắp chốn rừng sâu, núi thẳm.Thầy tôi còn được gọi là ‘ký’ nữa ( cậu ‘ký’, ông ‘ký’ hay cụ ‘ký’, tùy theo thời gian và quan hệ với từng người) là do trước khi làm “xu-ba-giăng”, có một thời gian thầy tôi là quản lý tại một ấp của tay De Montpezat, một tư bản đồn điền Pháp. Nhưng mà xếp hay ký thì sau ngày hòa bình, người ta cũng xếp hết vào loại “làm việc cho chính quyền thực dân”. Buồn cười thật, chẳng nhẽ người ta không hiểu những người như thế cũng chỉ là người làm công mạt hạng của chủ tư bản thôi sao!?
Trở lại chuyện về bà nội, năm tháng dần trôi, chỉ khoảng ba năm sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc, bà tôi qua đời. Tôi không biết bà mất vì bệnh gì, chỉ thấy vào một sáng sớm, mẹ tôi khóc và tất tả chạy sang nhà bà. Rồi khoảng 8-9 giờ tôi qua thì thấy mọi người trong nhà đã mặc tang phục.Hòa khóc, nhưng nó xấu hổ (?) không chịu đội nùn rơm và chống gậy, ông Tấn phải vụt cho mấy roi, nó mới chịu yên. Bà tôi có tới 5 người con trai, nhưng khi bà qua đời chỉ có người con út - ông Tấn ở bên. Ông cả Lăng và ông Trường đã mất trước, ông Sửu vào Nam , ông cả Chính (con riêng của bà) lúc ấy ở Thái Bình. Đám ma của bà khá lớn. Có nhiều cờ, phướn, trướng, câu đối, có nhiều kiệu rước bài vị và những thứ gì nữa mà tôi không hiểu.Ông Tấn phải thuê đến mười mấy đứa trẻ vác cờ, phướn, câu đối…Lúc ông phát tiền cho chúng nó, tôi cũng đứng lẫn vào đấy và được ông cho mấy chục đồng ( tiền ngân hàng VN , trước đợt đổi tiền năm 1958), ăn quà sáng được vài bữa. Bà được mai táng ở nghĩa địa Tạp phúc, gần ngôi mộ của thầy tôi. Thầy tôi mất trước bà hơn hai năm. Ngôi mộ của thầy tôi mang số 56, nhà không dựng bia, vì đấy là nơi hung táng, sau này còn bốc cốt và mang về quê. Tôi nhớ con số ấy vì không những nó mang theo những kỷ niệm đau thương đầu đời của tôi, mà còn do nó trùng với tuổi thọ của thầy tôi và cũng trùng với con số 56 ghi trên cột cây số bên đường số 5, ở ngay đầu chùa Đông Thuần và bãi te-ranh (terrain) của thị xã ( đã bãi lại còn te-ranh, tiếng bồi tức cười thật; thực ra đó là từ mà trước đây người Đông Thành hay dùng để chỉ cái bãi đá bóng chính của thị xã này). Sau ngày thầy tôi mất, có lần tôi nghe bà tôi nói chuyện với một bà khách:
- - Tội nghiệp ông ấy. Hai con trai tôi mất đi, không đứa nào dặn tôi lấy một câu gì, thế mà lúc ông ấy sắp mất, tôi đến thăm, ông ấy dặn tôi “con xin gửi lại nhà con và các cháu, xin bà bảo ban chúng nó giúp con …”
Sau này, tôi còn được biết một chuyện rất hy hữu là trước khi mất bà có giao cho mẹ tôi một số vàng, khi giao thím Trường cũng tình cờ có mặt tại đó. Số vàng đó không nhiều, có lẽ chỉ vài lượng. Về sau, khi mẹ tôi làm giấy trả cho mấy bác, mấy chú thím con của bà, tôi có được đọc để mẹ nghe, nhưng khi đó tôi không hiểu thế nào là lạng, là đồng cân vàng nên bây giờ không nhớ cụ thể. Giấy đó làm vào khoảng năm 1959, lúc đó tôi đang học lớp ba hay lớp bốn. Lời bà dặn, theo mẹ tôi kể lại là: Bà giữ cho tôi hai gói này, trong đó có một gói của chị Sửu (vợ ông Sửu là cháu ruột của mẹ tôi; chị gọi mẹ tôi bằng dì). Khi nào thằng Tấn nó túng thiếu thì bà đưa cho nó cái gói của nó; còn gói của chị Sửu là người nhà bà, bà cứ giữ đến khi nào chị ấy trở về thì đưa cho chị ấy. Một hoặc hai năm sau, một buổi chiều tôi thấy mẹ ngồi nói chuyện thật lâu với ông Cả Chính, ông Tấn và bà Trường. Rồi đến khoảng 8 giờ tối, mẹ gọi tôi đến và đưa cho một tờ giấy học trò, khổ nhỏ, bảo tôi đọc. Tôi không nhớ nguyên văn nội dung đã ghi trong đó,với nét chữ khá đẹp và rõ ràng của ông Tấn, chỉ nhớ đại để như sau: Tôi là Lê Văn Tấn , … tuổi, ngụ tại…. có nhận của bà Trần Thị Huyền,.. tuổi ngụ tại….. một số vàng là …. lạng ,… đồng cân. Số vàng này mẹ tôi gửi bà Huyền vào ngày tháng năm… Tôi đã nhận đủ và giao giấy này cho bà Huyền làm bằng. Đông Thành, ngày.. tháng… năm 1956. Đọc xong, tôi có hỏi ông Tấn rằng lúc này là năm 1959, sao trong giấy lại viết năm 1956. Ông trả lời phải viết như thế vì sau năm 1956, nhà nước có lệnh cấm công dân tàng trữ vàng. Ai giữ vàng , nhà nước sẽ tịch thu khi phát hiện được. Vài năm sau, một sự kiện xảy ra trong thị xã đã cho tôi thấy lời ông Tấn nói là đúng. Gia đình cô bạn cùng lớp của tôi bị thu trắng một hộp vàng lớn, bị phát hiện khi có lệnh khám nhà bất thình lình của chính quyền.
Bẵng đi gần 14 năm sau, lúc mẹ sắp quá đời, tôi có hỏi về chuyện mẹ giữ vàng cho chị Sửu, nhân sau khi thấy ông Tấn ghé tai mẹ thì thầm điều gì và mẹ tỏ ý phản đối. Mẹ nói: mẹ không còn nợ nần gì cả, phần của chị Sửu, khi chị ấy về, nếu mẹ còn sống mẹ sẽ trả cho chị ấy. Nếu mẹ qua đời thì coi như mẹ xin chị ấy. Vào ngày giỗ đầu mẹ tôi, ông bà Tấn đến ( khi đó chị em chúng tôi làm giỗ mẹ ở Sặt, vì mẹ tôi được an táng ở quê nhà, xã Vĩnh Tuy, huyện Bình Giang). Ông thắp nén hương lên bàn thờ rồi nói với tôi và các chị tôi về số vàng nói trên và đề nghị trao lại cho ông ấy số vàng của chị Sửu mà ông coi là của anh trai ông. Tôi nói với ông rằng trước khi mất mẹ tôi nói không còn nợ ai cả. Ông có nói đến chuyện tôi đã xem tờ biên nhận của ông. Đúng là có tờ biên nhận ấy, nhưng nó chỉ nói lên rằng ông đã nhận đủ số của ông mà thôi. Tôi không nhắc đến những điều mẹ tôi dặn về việc cần làm khi chị Sửu trở về, vì thấy không cần thiết. Ông Tấn lại thắp hương và nói: “Lúc này chắc mẹ anh và các cụ thân sinh của tôi đã gặp nhau nơi suối vàng rồi. Thôi, tôi không nhắc lại chuyện này nữa. Mọi chuyện có trời phân định cả”. Ông chào chia tay và lặng lẽ chở bà ấy bằng xe đạp về lại Đông Thành. Đúng là từ đó ông không bao giờ nhắc lại chuyện ấy nữa. Tôi biết rằng khi đó hoàn cảnh của ông là rất khó khăn khi phải nuôi vợ và 6 đứa con mà chỉ trông vào hiệu chữa xe đạp nhỏ. Cái dinh cơ rộng lớn của cụ Nhất để lại mang tên ông Sửu trong văn tự nhà đất, sau khi ‘bà nội’ qua đời đã bị chính quyền sung vào công quỹ, bản thân ông Tấn cũng phải thuê lại. Riêng phần cụ đã chia cho ông Trường thì Hòa được hưởng trọn, không bị ai động đến.Hoàn cảnh gia đình tôi lúc đó cũng lao đao: mấy chị em đi làm cho nhà nước, lương tháng ba cọc ba đồng, chú em út bị đưa đi cải tạo lao động vì nghịch ngợm, quậy phá phố phường, đó là một thứ tù tội không cần phải kết án trước tòa, một hình thức trừng phạt thật… độc đáo vào thời chiến.
Biết vậy, nhưng tôi chẳng biết làm gì hơn để giúp ông. Số vàng mẹ tôi còn giữ lại năm đó thì không phải của ông, mà tôi cũng không biết mặt mũi nó thế nào. Vào những năm quá nghèo túng, chắc mẹ tôi đã bán đi rồi. Mẹ tôi cũng đã thực hiện đúng lời bà dặn lúc lâm chung. Tất nhiên, đối với mẹ tôi, bà đã giữ một sự tin cậy và thương yêu vô hạn. Rõ ràng là bà có ý cho mẹ tôi sử dụng số vàng của chị Sửu gửi lại, vì thời gian đó chẳng ai tin rằng có một ngày, những người di cư vào Nam , năm 1954, sẽ trở lại. Sau năm 1975, tôi cố gắng liên lạc với gia đình ông Sửu, nhưng không được. Nghe nói trừ người con cả ở lại Việt Nam ( trú ở Đà Lạt), khoảng năm 1980 cả nhà ông đã vượt biên sang Mỹ. Sau mấy lần vượt biên không thành, mất đi khá nhiều tài sản, ông Sửu cũng đến được cái “thế giới tự do” của ông ấy.Tội nghiệp ông Sửu! năm 1954 ông đưa cả nhà đi Nam để tránh Việt Minh, sau 1975 cả nhà ông lại tiếp tục chạy một lần nữa. Ông trước sau chỉ là một người chủ tiệm may và chủ tiệm vải, chẳng có một hoạt động chính trị nào, chẳng tham gia đảng phái nào, sao lại phải sợ hãi đến vậy. Có lẽ ông đã không quên được hình ảnh người em trai hiền lành và thân yêu của ông ngã gục trước loạt đạn bắn tỉa của du kích, nhưng sao ông không nghĩ rằng trước đó có thể em ông đã ‘phơ’ chết khá nhiều người lính phía bên kia, những người chân đất, mắt toét trong tay chỉ có những quân cụ, vũ khí thô sơ, lạc hậu, sao ông không nghĩ chiến tranh là vậy, một khi nó xảy ra, thì tránh sao được cảnh ‘ nồi da nấu thịt’, ‘huynh đệ tương tàn’; sao ông không nghe lời cụ Khổng dạy đại để là “lấy ân báo oán thì oán thù tự tan biến, lấy oán báo oán thì oán thù chồng chất muôn đời…”. Tất nhiên, ở đây ông cũng chẳng báo oán cho ai, mà chỉ đóng vai “vận động viên việt dã kỳ cựu”. Rồi đến một ngày, hình như trong năm 1993, từ Mỹ ông trở lại Việt Nam.Ông về lại Sai gòn, rồi ra bắc. Ông về thăm lại bà con, anh em ở Đông Thành và theo góp ý của các em và con cháu, ông làm đơn đề nghị chính quyền cho xin lại khu nhà cũ mang tên ông. Nghe đâu gần 5 năm sau đó, chính quyền có trả lại cho ông một phần, đó là mấy gian từ đường mà ông Tấn đang ở (dưới hình thức thuê nhà của Nhà nước), còn mấy căn ngoài mặt phố, và căn nhà ngang chính quyến đã ‘hóa giá’ cho người khác rồi.. chuyện ấy không bàn nữa. Nhiều người khuyên ông tiếp tục kiến nghị, nhưng ông không theo ý họ nữa, ông làm giấy tờ sang tên cho ông Tấn khu nhà của ông. Vậy là ông Tấn sỡ hữu được ba gian nhà, cái sân gạch phía trước và phần đất có dãy nhà bếp và nhà vệ sinh phía sau. Cái cổng cũ rất rộng, không còn nữa, người ta để cho ông một cái lối đi hẹp chừng 1,2m, lệch về phía bắc chừng 5 mét so với cái cổng cũ, làm chỗ ra vào của gia đình ông và hộ gia đình ngụ tại nhà ngang cũ. Hộ gia đình ấy vốn là hậu duệ của người anh họ của ông, là một địa chủ ở Hưng Yên, chạy ra Đông Thành ở nhờ nhà ông từ năm cải cách (1955), rồi cũng thành hộ thuê nhà của Nhà nước. Có thể nói ông đã cưu mang gia đình này, nhưng ngày ấy nếu ông không cho họ ở nhờ thì Nhà nước cũng trưng dụng. Chính sách của Tỉnh lúc đó là không ai được quyền ở rộng như vậy trong khi người khác (kể cả công chức) không có chỗ ở. Nhiều nhà tư sản còn phải san sẻ chỗ ở cho cán bộ công nhân viên các cơ quan nhà nước cơ mà. Thôi thì, giọt máu đào hơn ao nước lã…
Cũng vào thời gian ông Sửu thăm lại Đông Thành, không rõ ai cho địa chỉ, ông viết thư cho chị Bình tôi, là giảng viên của Đại học sư phạm Hà Nội. Lá thư viết bằng thứ chữ quốc ngữ to cộ, những khá ngay ngắn , rõ ràng. Trong thư ấy ông hỏi thật cặn kẽ: cô có phải là con ông xếp Giao ở 15 Gallieni , Đông Thành? Nếu đúng thì xin cô cho tôi biết rõ họ tên bố mẹ cô và các anh chị em trong gia đình, hiện họ ở đâu, ai còn, ai mất như thế nào để tôi tiện gửi chút quà mọn cho từng người. Ông cũng nói giữa ông và thầy mẹ tôi là mối quan hệ rất ân tình, không bao giờ phai nhạt được. Chị tôi đã viết thư trả lời ông. Rồi đến năm 1995 , ông về nước tìm gặp chị Loan tôi ở Kẻ Sặt, ông gửi cho chị em chúng tôi mỗi người nửa chỉ vàng ta. Chị Loan không hỏi địa chỉ và số điện thoại của ông, nhưng đã gọi điện báo tin cho tôi biết, lúc ông đang ở nhà người con gái của ông ở Nha Trang. Tôi gọi điện cho Hòa để biết điện thoại của người đó và gọi điện tới để liên lạc với ông,cảm ơn ông về món quà và cũng trình bày ông rõ về chuyện mẹ tôi đã giữ một số vàng của chị Sửu.Qua điện thoại , người con gái của ông cho biết ông không còn ở đó, tôi xin địa chỉ và số điện thoại của ông ở Mỹ, nhưng người ấy nói là không biết. Tôi liên lạc lại với Hòa và mấy tháng sau Hòa mới cho tôi số điện thoại của ông ở Mỹ. Tôi gọi điện thoại cho ông.Khi máy được nhấc lên ở đầu bên kia, tôi nghe rõ giọng một người già mang sắc thái đặc sệt người Đông Thành cũ, người ấy hỏi tôi là ai, muốn gặp ai, có việc gì. Tôi xưng danh và nói muốn gặp ông Sửu, thì ông nói ở đây không ai biết đến cái tên ấy, rồi lập tức ngắt máy. Sau này , tôi hỏi lại Hòa và được biết rằng với Hòa ông cũng làm như vậy, hình như ngoài mấy người con ông còn ở lại Việt Nam, ông không muốn ‘contact’ với bất kỳ người nào ở trong nước. Bẵng đi vài năm, tôi được tin chị Sửu tôi đã mất, tôi tiếp tục ‘contact’ với ông, nhưng vô ích. Rồi mấy năm sau nữa, ông từ trần. Ông mất sau ông Tấn chừng hai năm. Hòa kể lại khi ông Tấn sắp mất, ông có về thăm, nhưng không sang nhà gặp ông Tấn, ông nghỉ ở nhà Hòa, cách chỗ ông Tấn nằm không đầy 30 mét.Ông gọi mấy người con ông Tấn sang , cho tiền, dặn dò ít câu rồi đi. Khi sắp hấp hối, ông Tấn có biết chuyện ấy, ông không nói năng gì cả, chỉ nhắm mắt và khóc. Hình như ông Sửu bực mình chuyện gì đó về ông Tấn, từ mấy năm trước, nên thỉnh thoảng ông gửi tiền về nhà ông Tấn, nhưng chỉ cho các con ông Tấn, mà không cho ông Tấn một khoản nào nữa. Nhiều người bảo cách cư xử của anh em ông ấy thật kỳ cục, nhưng tôi cho rằng giữa hai vị vẫn có những tình cảm thương yêu vô bờ…
Sau ngày ông Sửu mất, tôi đã tìm được điện thoại của Kính, con cả của ông Sửu và chị Sửu tôi. Tôi đã điện thoại cho Kính. Kính lớn hơn đến 8 tuổi , lẽ ra theo vai vế đằng họ ngoại, Kính vẫn phải gọi tôi bằng cậu, hoặc nếu coi tôi là con của ông Cả Lăng thì Kính sẽ gọi tôi bằng anh, xưng em, nhưng để tiện xưng hô chúng tôi đều gọi nhau bằng anh như hai người bạn mới quen. Tôi nói cho Kính biết chuyện ‘bà nội’ gửi mẹ tôi giữ một số vàng cho Chị Sửu. Tôi dự kiến nếu Kính đặt vấn đề nhận lại số đó với tư cách người thừa kế của chị Sửu, thì chúng tôi sẽ trả lại. Tôi không nói đến chuyện trả lại vì nghĩ rằng số tiền đó không thấm tháp gì đối với gia đình Kính. Vả lại, mẹ tôi đã có lời dặn lại với chị Sửu rồi. Trong quá khứ, mẹ tôi cũng góp phần quan trọng trong việc tác thành cho chị Sửu và ông Sửu. Mặt khác, theo Hòa nói lại, khi ông Tấn nói chuyện ấy, ông Sửu đã gạt đi, coi như ‘bà nội’ đã cho hẳn mẹ tôi khoản tiền tệ đó. Nghe xong chuyện, Kính chỉ nói: bây giờ tôi mới biết chuyện này, anh ạ. Từ bấy đến nay, không thấy Kính liên lạc gì thêm với tôi, cũng như bao nhiêu năm trước vẫn thế. Vào những dịp tết đến, xuân về, đôi khi tôi cũng muốn gọi cho Kính để thăm hỏi, nhưng thấy ngại lại thôi. Ngày trước, khi gia đình Kính ở Đông Thành, tôi chỉ nhìn thấy Kính vài lần, Kính lớn tuổi hơn nên không chơi với tôi, sau này khi Kính về thăm gia đình Hòa, tôi cũng gặp, chào hỏi trong dăm phút , rồi chia tay. Giữa hai người thực sự không có tình cảm gắn bó nào. Cũng có một lần tôi được tiếp xúc vơi Dung, em gái của Kính ở Nha Trang. Qua điện thoại, người này gọi tôi là chú (như một người vai dưới trong họ) và hẹn tôi khi nào ra Nha Trang thì đến nhà chơi. Năm 1995, tôi chuyển công tác về Nha Trang, vào một chủ nhật, tôi tìm đến nhà Dung. Ra gặp tôi là một cháu gái khoảng 18-20. Cháu hỏi tôi về tên tuổi quê quán , quan hệ họ hàng, sau đó vào nhà trong, một lát, quay ra bảo tôi sáng mai hãy trở lại gặp Dung vì hiện tại Dung đang bận, không tiếp.Tôi nổi nóng, không hiểu sao dạo đó tôi rất hay nổi nóng, bảo cháu gái rằng tôi là cậu của Dung, tôi đến thăm theo lời mời chứ không đến để nhờ vả hay liên hệ làm ăn gì cả; tôi sẽ không trở lại nữa. Đúng là từ đó , tuy sống ngay ở Nha Trang, cách nơi Dung ở không đầy 6 kilomet, nhưng không bao giờ tôi đến đấy nữa, tôi cũng không bao giờ nhận được một cuộc gọi hay một lời nhắn từ Dung qua bất cứ phương tiện liên lạc nào cả. Sau này, trong lần gặp Kính ở nhà Hòa, Kính bảo tôi thông cảm cho Dung vì lúc đó Dung đang ở trong tình trạng tâm lý không bình thường. Chồng của Dung trước 1975 là sỹ quan biệt động quân, sau giải phóng đã đi cải tạo mấy năm, khi về chỉ nằm khàn ở nhà không làm ăn gì, hình như còn xài cả ma túy nữa. Vợ chồng họ ly thân cả chục năm trời, cách đây dăm năm, anh ta đã mất vì một bệnh gì đó. Tôi còn nhớ chuyện ông Tấn kể về anh này với thái độ thán phục về khả năng võ nghệ của anh ấy: chỉ cần một cái nhún anh ta có thể băng qua bức tường cao 5-7 mét hoặc nhảy phắt lên mái nhà.
Trong gia đình ‘bà nội’ người mà tôi được tiếp xúc lâu nhất và để lại cho tôi nhiều ấn tượng nhất là ông Tấn. Ông là con út trong gia đình., mặc dù ông vẫn xưng anh với ông Đồng, lớn hơn ông mấy tuổi nhưng là con bà ba.Khi tôi bắt đầu đi học thì ông đã bước vào tuổi 30. Ông có thân hình cao lớn , lực lưỡng, cao hơn 1,8 mét, nặng khoảng 80 kg, mặt cũng dễ coi, giọng nói trầm và khá từ tốn, nhưng đôi mắt chứa đựng nỗi u buồn và sự bất mãn.Trong những ngày tôi phụ ông ở hiệu chữa xe đạp, tôi được nghe ông kể rất nhiều chuyện đời tư của ông. Ông học hết lớp nhất thì nghỉ học, dong chơi một vài năm, rồi Cụ Nhất bắt ông lấy vợ, khi ông chưa đầy 18 tuổi. Vợ ông lớn hơn ông chừng 4-5 tuổi, người thấp lùn, gương mặt không mấy khả ái, đặc biệt là dáng dấp, cách ăn nói đặc kiểu ‘nhà quê’. Tôi nghe mấy bà chị nói, hồi đó ông rất mê chị Tuất, con cụ lý Sầm, ở cách nhà ông ba số nhà. Cuối thập niên năm mươi, tôi còn thấy chị rất trẻ đẹp, trắng trẻo, khỏe mạnh lắm. Tôi không biết tình trạng hôn nhân của chị lúc đó ra sao, nhưng chỉ thấy chị vẫn ở nhà cụ lý. Nghe nói lúc đầu ông không chịu lấy vợ, nhưng lúc cụ Nhất sắp mất , ‘bà nội’ dỗ dành mãi ông mới đành làm đám cưới ‘chạy tang’. Đưa dâu về nhà rồi, ông còn chê vợ đến 5 , 6 năm sau. Năm 1952, ông mới có con gái đầu lòng. Sau đấy thì cứ hai đến ba năm vợ ông sinh một lần, để có với ông bảy người con: bốn trai, ba gái, đó là chưa kể đến chuyện bà còn sảy thai một vài lần nữa.Trước năm 1950 , ông có đi lính, được huấn luyện ở Hà Nội. Đến khi nghe tin chuẩn bị ra trận, ông đã bỏ trốn về Đông Thành và bị bắt vào trại tạm giam của Phòng Nhì ( Deusiėme Beaurro - DB). ‘Bà nội’ phải nhờ người lót tiền chạy cho ông ra khỏi trại giam rồi giải ngũ. Vào buổi chiều ông rời trại giam, ‘bà nội’ đã đón ở cổng, đưa ông ra sông Sặt, tự tay cởi bỏ quần áo tù cho ông, quăng theo dòng nước, và rồi tự tay tắm rửa cho ông sạch sẽ và mặc cho ông bộ đồ civile mới toanh. Những năm sau đó, ông học nghề chữa xe đạp, rồi nghề thợ nguội và sau đó làm việc cho một chủ xưởng cơ khí nào đó ở Đông Thành. Hòa bình lập lại, ông bắt đầu mở cửa hiệu xe đạp, vừa chữa vừa buôn bán xe đạp. Những năm đầu , sống khá ung dung. Ông được các cụ mua cho một ngôi nhà ở phố khách, nhà hai tầng, rộng và rất sâu nhưng thiết kế và bài trí nội thất theo kiểu của người Tàu, rất tối tăm và có cái vẻ gì bí hiểm. Tôi và Hòa đã vào nhà đó một lần và rất sợ khi lên những căn gác tối mò, thỉnh thoảng lại thấy những bàn thờ dán giấy đỏ chóe, trên đó ghi những chữ Hán ngoằn ngoèo, đầy huyền bí đối với lũ trẻ chúng tôi. Ông đã bán ngôi nhà đó và trở về sống với ‘ bà nội’. Gia đình nhỏ của ông ở căn nhà mặt phố, rộng khoảng 50 mét vuông, vừa làm cửa hàng xe đạp, vừa để ở. Trước cửa nhà ông có một cây bàng lớn, rợp bóng mát và rất nhiều quả về mùa hè. Bọn trẻ ở phố thường trèo cây, hái bàng, nhưng sau, bà Tấn ra cấm chúng nó trèo cây và bà thường đợi quả bàng rụng xuống thì nhặt vào thúng mang vào nhà. Khi gió to bà có thể nhặt được cả thúng. Mấy thằng nghịch ngợm ở phố rất tức, gọi ông bà là ‘Tấn mủn’ nữa, ý nói ông bà cư xử không mấy đàng hoàng. Có thằng còn nghĩ ra kế hiểm, đợi lúc trời gió to, sắp mưa, nhặt những viên đá nhỏ (không hiểu sao, ngày đó trên đường rất sẵn đá nhỏ, kích thước bằng quả nhót hay quả bàng thôi), ‘tương’ lên mái tôn nhà ông. Nghe tiếng lộp bộp , bà tưởng bàng rụng, vội mang thúng ra hứng dưới mái tôn, để có bữa bị đá rơi vào đỉnh đầu. Bọn trẻ chỉ chờ vậy là cười vang, khoái trá. Bà có vẻ ngượng, nhưng lại chửi rất to những ‘con nhà mất dạy’ ném đá lên mái tôn nhà bà. Tính bà hay càm ràm, lắm mồm lắm. Ông thì ít nói, lì lì suốt ngày, nhưng rất cục tính. Cò lần tôi nghe thấy trong nhà ông tiếng chửi, tiếng quát tháo và cả tiếng bát đĩa vỡ loảng xoảng. Rồi sau đó thấy cả mấy tuần bà cứ phải băng ở một gò má. Về sau, nơi ấy biến thành một cái u thịt to bằng quả nhót, không bao giờ xẹp xuống nữa. Vào một kỳ nghỉ hè, hồi tôi học lớp 2 hay lớp 3, mẹ gửi tôi sang nhà để ông dạy kèm cùng với thằng Hòa, cháu ruột ông. Phải công nhận là chữ ông viết rất đẹp, hơi to, nhưng ngay ngắn rõ ràng, khi dùng những từ gốc Pháp đơn giản ông viết thẳng bằng tiếng Pháp cho chúng tôi tập chép theo.Sau này khi tự học, tôi thấy một số chữ ông viết hồi đó không đúng chính tả, nhưng dù sao nó không phải là chữ quốc ngữ, mà là ngoại ngữ nên trông vào vở , cũng thấy khá ‘oai’. Hòa và tôi viết hay sai chính tả lắm, nhất là tôi hay viết ẩu, mất dấu, mắc lỗi lung tung cả, có bài có đến mười mấy lỗi. Nếu theo đúng quy định có ông, mỗi lỗi một roi hay một cái véo tai thì chúng tôi đến oằn xương mất. Tuy nhiên, ông không đánh chỉ véo tai tôi một cái khá đau. Trong khi đó, Hòa được ông ‘ưu tiên’ hơn bằng cách véo thật mạnh. Khi học toán đố, thì tôi thường làm tốt các bài tập, trong khi Hòa thường làm sai, nên có lần được ông ‘ưu tiên’ vặn cho rách cả tai- quả đáng tội, cái tai ấy của Hòa đã có sẵn mấy cái mụn rồi. Hòa gan lắm, chỉ lầm lì, chảy nước mắt chứ không la toáng lên. Sau sự cố ấy, ông lấy bông bảo Hòa thấm máu, rồi lấy thuốc đỏ bôi lên đó. Rồi có một chiều tôi ngủ quên đến tận 2 giờ mới cắp sách sang nhà ông, tôi rất lo, chắc là sẽ bị véo tai hoặc phạt quỳ đây. Vừa sang đến cửa nhà ông, thì tôi thấy một cảnh tượng rất bát nháo mà rất khôi hài, sau những cú đấm mạnh vào mặt vào ngực đối thủ, thầy giáo của tôi bị anh đạp xích lô ở phố ấy, một gã to như trâu mộng, người thấp đậm, cởi trần, đen như củ súng, ôm ghì lấy phần dưới và bóp mạnh vào bộ hạ. Ông thầy tôi mặt tái nhợt, mím chặt môi một lúc, rồi bỗng vươn hai cánh tay vượn, quai như giã giò bằng chày máy vào mạng sườn đối thủ, khiến anh kia phải buông tay và nhận một cú lên gối rất mạnh , bật từ tường nhà ra ngoài đường rãnh nước ven quốc lộ. Anh này đau quá, không dám lăn xả vào nữa mà sang bên kia đường, nhặt hai nửa hòn gạch vỡ ném thẳng vào ông Tấn, may mà ông tránh được, nhưng chiếc tủ kính đựng hàng và đồ nghề của ông thì vỡ toang.Thật là không may cho gia đình tôi, chiếc tủ ấy là của mẹ tôi cho ông ấy mượn, sau này ông ấy mang trả lại cho chị dâu ông ấy cái tủ không có kính nữa. Một lúc sau, hàng xóm xúm lại can và đẩy được anh xích lô đi chỗ khác.Thế là hôm ấy tôi thoát buổi quỳ và không phải đi học. Bẵng đi một thời gian khá dài, tôi lại thấy anh xích lô nọ đến hiệu của ông vá xăm, hai vị lại chuyện trò vui vẻ, chuyện cũ gác lại, không nói nữa.
Sau lần đánh nhau ấy, ông đau mất cả tuần. Ông không kèm bọn tôi học nữa và cũng hết kỳ nghỉ hè, chúng tôi vào học lớp 4. Từ lớp 4 trở lên thì ông Tấn không kèm tụi tôi nữa vì sức học của ông chỉ dừng ở cỡ lớp 4 thôi. Ngày trước ông chỉ học hết lớp nhất trường Pháp-Việt. Bỏ học đã lâu, về toán, văn ông quên nhiều lắm, có chăng còn chút vốn tiếng Pháp căn bản, nhưng vào những năm này ở miền Bắc, học sinh đâu còn học tiếng Pháp nữa.
Mấy năm sau, khi tôi học hết lớp 7 phổ thông, không được tuyển vào học cấp III, vì lý lịch không cơ bản, vì có người nhà di cư vào Nam, tôi lại được học ông ấy, lần này thì là học nghề, nghề chữa xe đạp. Vậy là ông Tấn là người thầy dạy nghề đầu tiên của tôi.
Công việc đầu tiên của tôi là vá săm. Ông chỉ khá tỷ mỉ: một tay cầm cái tờ giấy ráp cuộn vào một đoạn ống ra sao, cái ngón tay trỏ của bàn tay kia tì vào miếng săm thế nào, rồi cách tháo lốp xe thế nào cho săm không bị cà vào vành xe, bôi nhựa vào miếng vá, chờ bao lâu cho khô rồi mới được dán miếng săm mới vào chổ thủng..v.v và … v..v . Tôi tập vá như thế chừng một tuần; những miếng vá của tôi cứ méo xẹo, mà lại không chắc, có lần vá xong, bơm săm lên thử lại vẫn thấy bong bóng nước nổi lên ở chỗ vá, ông bắt bóc ra và ông tự tay vá lại sau khi quắc mắt nhìn vào mặt tôi, khiến tôi xấu hổ, cúi gầm mặt xuống. Ít lâu sau thì tôi làm những công việc không mấy khó khăn nhưng rất bẩn là tháo tất cả các bộ phận của xe để lau dầu. Công việc này, đáng ngại nhất là tháo líp và tháo trục giữa để lau ổ bi, các viên bi rồi tra dầu mỡ. Nếu không cẩn thận có thể làm vỡ cái nắp ở líp.Buồn cười nhất là có lần tôi lắp hai cái đinh ta-vét ở hai ‘cái đùi’ gần bàn đạp , do không nhìn cho kỹ tôi lắp cả hai cái theo cùng một hướng (lẽ ra phải theo hai hướng đối nhau). Ông khách nhận lại xe, trả tiền công, đi được gần hai cây số thì phát hiện ra. Ông ấy quay trở lại, quát toáng lên khiến ông Tấn phải xin lỗi rối rít, rồi ngả xe ra lắp lại cho khách. Khách đi rồi , ông nhiếc móc tôi thậm tệ . Dạo ấy tôi đã mười lăm tuổi, khá lớn rồi , ông không véo tai tôi nữa, nhưng những lời ông nhiếc móc còn làm tôi đau gấp bội. Tôi học nghề ở ông theo chế độ dạy kèm, không mất học phí, nhưng không được hưởng thù lao. Tôi có thể đi làm một số công việc vặt kiếm dăm hào mỗi ngày, nhưng mẹ tôi không cho đi làm, chỉ muốn ông Tấn kèm cặp để khỏi lêu lổng để rồi một tuần 3 buổi tối ( thứ hai, thứ tư, thứ sáu) đi học bổ túc lớp 8. Mặc dù còn ấm ức về việc không được tuyển vào lớp tám trong khi bài thi của mình rất khá, nhưng tôi cũng rất thích lớp học bổ túc này vì nó bỏ bớt những môn phụ lèng èng như sử, địa, chính trị, chỉ học những môn chính như văn , toán, lý, hóa, sinh vật. Bực nhất là ở lớp bổ túc, họ không cho học ngoại ngữ. Thấy tôi thích học ngoại ngữ, ông anh rể giáo viên cấp ba , mang cho tôi mượn cuốn sách tự học tiếng Nga, tác giả là Dương Văn Thành thì phải. Tôi chăm chú tự học được vài tuần, thấy khó, nản dần, đến cuối thời gian tự học chỉ nhớ được mấy chữ Đôm Tám, Tam Đốm ( nhà ở đàng kia à? Đằng kia là nhà á?). Rồi tôi lấy cuốn L’anglaise vivant ( sách dạy tiếng Anh qua tiếng Pháp ) cùng với một cuốn sách tự học tiếng Anh của Lê Bá Công trong tủ sách của nhà tôi ra xem, rồi cũng nhớ được dăm chữ như England , boy, you, I…nhưng phát âm thì.. sau này mới biết là sai toét cả. Ông Tấn, thấy tôi mang sang hiệu của ông để đọc thì ‘vồ’ lấy ngay. Ông bảo để ông mượn cuốn L’anglaise vivant, đổi lại ông cho tôi mượn từng tập sách Tam quốc diễn nghĩa để đọc dần. Tôi hỏi ông : Chú học tiếng Anh làm gì? Ông ghé tai tôi thì thầm: Mày ngu lắm, để khi nào tụi Mỹ nó nhảy dù xuống đây, sẽ tiếp xúc được với nó ngay chứ. Sau này, được học tiếng Anh một cách tử tế hơn, tôi mới nhận ra rằng, nếu có tụi Mỹ nhảy dù xuống Đông Thành ngày ấy mà nghe ông nói mấy câu tiếng ‘Mỹ’ học được từ trên giấy như thế thì chắc nó phải bỏ chạy gấp vì tưởng ông nói thứ tiếng thổ dân man rợ nào đấy.
Gần tám tháng học nghề với ông Tấn, tôi chẳng tiến bộ bao nhiêu trong nghề sửa xe đạp, nhưng ‘tiến’ rất nhiều về lối sống thực dụng mà ông sẵn sàng truyền đạt miễn phí cho tôi. Ông có những ông bạn nói tục như.. gì ấy. Có lần tôi bơm một lốp xe lại quên mở cái mũ van ( cái chapeau vale – theo cách nói và viết của ông Tấn), một ông bạn của ông thấy thế, quát tướng lên: “ ồ , cái thằng này, mày định đ… cả váy đấy à?” Có mặt mấy thằng nhóc mới 15, 16 - chúng tôi- mà các ông ấy cứ thản nhiên mô tả tỷ mỷ những hành vi khoái lạc mà các ông ấy đã thực hiện ở chỗ ấy, chỗ nọ. Có lần ông Tấn kể chuyện đi cất vó ban đêm, gặp đôi tình nhân ôm nhau, sờ mó ở một gốc cây, thấy ông đi qua, tay ‘male’ còn xin ông tí lửa châm thuốc hút, ông nhận xét: “tay nó vừa đưa vào chỗ ấy mà cầm ngay vào điếu thuốc, đưa lên mồm, thơm gớm!”. Một chuyện nữa cho thấy ông vừa thô tục lại vừa hách, vừa …‘học kém’ như thế nào. Lần đó, ông lắp cho một khách sộp một cái đi-na-mô để thắp sáng cho cái đèn xe ở phía trước. Dây dẫn, tất nhiên phải nối một đầu vào hộp đèn, đầu kia nối vào khung xe để điện truyền qua dây tóc, liên thông giữa hai cực thì bóng đèn mới sáng được. Thế mà ông chỉ lắp có một đầu dây vào hộp đèn, không để ý gì đến đầu kia. Ông loay hoay như thế cả tiếng đồng hồ, mà đèn cũng vẫn không sáng lên. Thấy thế, tôi mạnh dạn góp ý: Chú ơi, chú phải lắp đầu dây kia vào khung xe chứ!” Ông nhìn tôi một cách phẫn nộ và khinh khi: “Mày thì đầu l. . chẳng biết, cuối l. cũng không mà cũng nói như khiếu, biến đi cho tao làm”. Trời ơi, tôi mới mười lăm tuổi đầu làm sao tôi biết được như ông về những thứ ‘gớm ghiếc’ ấy, bởi vậy tôi phải lui gấp vào phía sau cửa hiệu. Ông lại loay hoay như thế non một tiếng nữa, thì may quá có ông em vợ của ông là giáo viên cấp hai đến chơi. Ông giáo thấy vậy liền góp ý, nhưng ông cứ cười nhạt, lắc đầu, tất nhiên ông không dám chê ông giáo không biết…. như tôi. Ông giáo liền cầm đầu dây kia cắm nhẹ vào khung xe, rồi quay bánh sau, đèn xe sáng tức thì. Ông Tấn tần ngần nhìn ông giáo rồi lắp chặt lại đầu dây đó. Ông cảm ơn ông em vợ và sai tôi pha trà mời ông giáo. Ông giáo về rồi, ông nhìn tôi thở dài: “có học vẫn hơn thật”.
Trừ những khi kèm cặp tay nghề cho tôi, mà ông thường chê tôi yếu ớt, ngu dốt, thí dụ có lần nhìn tôi cân vành, tự dưng ông nắm lấy bàn tay , nhỏ xíu gày guốc của tôi trong bàn tay to tướng, thô ráp của ông mà lắc đầu, chép miệng, thở dài; rồi khi tôi đánh vỡ nắp cái lip, lúc lau dầu, ông chửi tôi ngu, tốn cơm cha mẹ cho ăn học; thì rất nhiều lúc , ông tâm sự với tôi như với một người bạn ngang hàng. Qua những lời ông tâm sự, tôi biết là ông rất bất mãn với chính quyền, căm thù những người ‘cướp’ đi sinh mạng của một người anh của ông ấy và ‘chiếm’ mất ngôi nhà mà cha mẹ ông để lại. Có lần, ông nghiến răng thốt lên: tao mà vào được miền Nam thì tao sẽ ác ôn bằng mười những thằng ác ôn mà chúng nó miêu tả trên báo chí.Tuy nhiên, tôi hiểu ông chỉ là người ‘chống cộng’ trong ý nghĩ mà thôi. Ông to lớn thế mà nhát như thỏ đế, cứ thấy mấy người công an qua lại trước cửa hiệu là tôi thấy ông run run. Nếu họ vào hiệu để sửa xe, thì ông cúi đầu nhũn nhặn cười cầu tài. Đôi khi ông nói năng lịch sự, lễ phép một cách cầu kỳ: Thưa, ông cần gì ạ…. Thưa, tôi có thể giúp gì cho ông ạ … và ông thường sữa chữa miễn phí theo yêu cầu của mấy người công an hay thuế vụ. Những ông này nhiều khi nói năng rất xếch mé, có người kém ông cả chục tuổi mà khi không có mặt ông cứ gọi thằng này, thằng khác… Một lần có một tay vào hiệu, ông Tấn đi vắng, tôi phải chào và bắt chước ông tôi nói: Thưa, tôi có thể giúp gì cho ông ạ. Tay này trợn mắt nhìn tôi: nhóc con mà cũng ra vẻ lịch sự, mày dám ông ông, tôi tôi với tao hả? Thằng chủ hiệu đâu? Tôi rất căm tay này, giá mà có được vóc dáng to lớn như ông Tấn, thì có lẽ tôi đã cho tay ấy ăn trầu bằng mũi rồi, nhưng khổ thân tôi, tôi chỉ là thằng nhóc mười lăm tuổi nhỏ như cái ‘kẹo’…
Nhiều khi tôi thấy ông có vẻ quan tâm đến tình hình thời sự, chính trị nữa. một hôm, đang ngồi chơi trong hiệu chờ việc, tôi thấy ông có vẻ ‘xúc động’: ông cứ lặp đi lặp laị một câu khá vô nghĩa ‘ tay này ghê gớm thật, tay này Tào Tháo còn phải gọi bằng bố’…Tôi thấy hơi sợ, hàng ngày ông ấy vẫn khỏe mạnh, nhanh trí lắm, đâu có gì biểu hiện tâm thần. Tôi liều hỏi ông xem có chuyện gì hệ trọng không.Ông trợn mắt: “ Mày không thấy gì sao? Vừa rồi cả một đoàn, mấy xe cam-nhông chở đầy công an vũ trang, có cả thằng Huấn, thằng Lạc lùn trên đấy, hộ tống một xe con đấy thôi. Rõ ràng có tay ấy ngồi trong đó. Đoàn xe thẳng tiến về Thủ đô rồi. Tài thật! vi hành như thế thật là bậc cụ. Tào Tháo còn phải đứng xa mà vái”. Tôi nhớ là có mấy chiếc mô-lô chở công an và có thấy anh Lạc, anh Huấn, hai thanh niên cùng phố vào bộ đội năm ngoái, trên xe, nhưng tôi không chú ý đến chiếc xe con. Chiều hôm đó , tôi nghe một số người kể lại: có một vị cán bộ cấp cao về thị sát tình hình ở tỉnh Đông. Không hiểu ông Tấn có nghe ai nói trước không mà ông để ý và thấy vị cán bộ cấp cao trên xe con đó. Đôi khi, lúc vui chuyện, ông kể về trận phản công của quân đội xô viết ở Stalingrad , ông nói khi một sỹ quan quốc xã ra hàng, hắn ta đã nói: khi các ông đã dùng đến Cachiusa, thì tôi biết giờ đầu hàng của chúng tôi đã điểm.. Rồi ông say sưa diễn giải rằng Cachiusa là tên lửa đất đối đất mà ‘tụi Mỹ’ cung cấp cho ‘tụi Nga’ để đánh Đức.Với ông, cái gì của ‘tụi tây’, ‘tụi Mỹ’ mới thật là tốt. Thỉnh thoảng ông lẩm bẩm: “mẹ..! chơi với cái thằng nó cho ăn sung, mặc sướng có hơn không? lại cứ đi chơi với cái thằng nó bắt nhịn đói, nhịn khát, ăn mặc rách rưới, bẩn thỉu..”. Ông không nói rõ ra, nhưng ai cũng hiểu những “thằng” đó là ai rồi. Còn về chính trị, sau này được học lên, tôi mới hiểu ông chẳng có quan điểm chính trị nào cả, mặc dù ông cũng hay nói đến mấy từ ‘tư sản’ với ‘cộng sản’. Sau này, có lần ông nhận xét về mối tình giữa cháu trai ông với một cô gái phục vụ trong quân y: ‘anh nghĩ xem, làm sao họ hợp nhau được, khi một gia đình là tư sản và gia đình kia là cộng sản nòi’. Tôi thấy buồn cười nhưng để bụng , chứ chẳng nhẽ lại nói: “ thưa chú, tư sản hay cộng sản thì chúng nó cũng cứ …‘ quại’ nhau thôi”. Thực tế chứng minh, đôi ấy sau này con đàn, cháu đống, sống với nhau hạnh phúc cho đến tận bây giờ. Nhiều lúc , ngồi buồn một mình, tự dưng ông lại quát tướng lên “ tiền, tiền và …tình”. Ông giải thích : thực ra câu nói gốc của bọn Tây là “tiền , tiền và tiền’ nhưng nói như tao thì mới đúng hơn. Hơn mười năm sau, học tiếng Anh, tôi thấy có bài text “ Money, money and money!”, thì ra khẩu hiệu ấy đã thịnh hành từ rất lâu trong xã hội Phương tây. Khổ thân ông, ‘ tiền và tình’ hình như là những thứ mà suốt đời ông mơ ước không thành. Hồi ông còn bé, tiếng là con nhà giàu, nhưng sống với cụ ‘via’, mỗi ngày chi tiền mua một ‘xèng’ nước mắm, thì chắc gì ông đã được sung sướng. Lớn lên, lấy vợ sớm, rồi lao vào cuộc mưu sinh trong sự chèn ép và kỳ thị ghê gớm, ông cũng không thể kiếm được nhiều tiền. Còn về tình, có thể nói rằng ông chẳng có một mối tình thật sự. Với người hôn phối già, được cưới cho ông trong chế độ tảo hôn, làm gì có tình yêu. Chuyện ‘léng phéng’ hẳn cũng không có, vì có lần tôi nghe ông kể chuyện với một ông bạn rằng trong một chuyến đi chơi Hải Phòng, ngủ ở nhà trọ, người chủ nhà trọ bảo ông có dùng ‘khoản ấy’ không, thì ông tái mặt và ‘lạy cả nón’… Hơn nữa, mấy chục năm trời qua đi ở cái thành phố ‘nhỏ như lỗ mũi’ ấy, chẳng có một điều tiếng gì về ‘chuyện ấy’của ông cả. Trước sau, cái niềm tự hào là con nhà gia giáo có lẽ đã ngăn ông thoát khỏi chuyện trăng hoa, tuy nhiên nó làm cho đường tình của ông tẻ nhạt đi biết bao nhiêu. Một lần, tôi chợt thấy đôi mắt của ông như mờ đi, dại đi khi ông dõi theo bóng dáng chị Ngân, con bà chủ nhà đã cho ông thuê một gian làm chỗ sửa xe đạp. Ngày ấy, ông hay kể cho bạn bè nghe về chuyện ông lỡ mồm xưng ‘ba’ với cháu bé con chị Ngân.. mà ông phải đỏ mặt, ngượng nghịu mãi. Chị Ngân, kém ông đến một giáp, rất trẻ đẹp, dáng cao, khuôn mặt dễ thương, da trắng, tóc dài…Chị đã có chồng, chồng chị là một sỹ quan cấp tá, trắng trẻo, râu hùm , hàm én, hiên ngang lắm. Còn ông, tuy cao to như hộ pháp, nhưng…thôi, không nói chuyện đó nữa để khỏi động đến nỗi buồn dai dẳng mà có lẽ chú tôi đã mang theo về tận miền cực lạc.
Nhân chuyện về tư cách ‘ nhà gia giáo’, tôi chợt nhớ đến một chuyện ông kể về một vụ trăng hoa vụng trộn trong khuôn viên gia đình ông. Chị X con ông địa chủ là anh họ của ông Tấn, mà cả nhà vẫn ở nhờ trong một buồng ở cái nhà ngang trong khuôn viên nhà ông, đã từng yêu một anh bộ đội già (xấp xỉ tuổi ông Tấn).Anh ấy đóng quân ở mạn ngược, thỉnh thoảng về chơi , thăm chị X và gia đình. “ Đêm ấy- ông kể- đã khuya lắm, tao chưa cho đóng cổng, vì hai đứa chúng nó đi xem kịch, chưa về. Mãi đến gần 11 giờ, chúng đẩy cổng vào và đứng ôm nhau rất lâu ở đó. Nhờ ánh đèn đường hắt vào, tao thấy con X kéo ống quần lụa lên tận… bẹn và quắp chặt thằng kia. Tao bực lắm, nghĩ nhà mình vốn gia giáo từ xưa, nay không thể để bọn nó làm ô uế gia thất nhà mình. Tao liền mở tung cửa , đồng thời bật đèn sáng trưng, ánh sáng rọi thẳng vào đôi gian phu - dâm phụ, làm cho con X vội vàng buông ống quần xuống và thằng kia quay vội sang phía rãnh nước, giả vờ đi tiểu…”. Tôi chăm chú nghe ông kể chuyện đó với cả sự phẫn nộ và .. hào hứng. Tuy nhiên, sau này lớn lên, điểm lại những diễn biến câu chuyện của ông, tôi nhận thấy một số điều bất hợp lý chứng tỏ là có thể ông đã bịa chuyện hoặc về ‘chuyện ấy’ ông, người đàn ông lúc đó gần 40 tuổi, cũng ngây ngô chẳng kém thằng bé mười lăm tuổi là tôi.
Khi tôi học việc với ông, ông Tấn đã có 4 con trai và hai con gái. Lớn nhất là cái Thảo, kém tôi 3 tuổi rồi đên bốn con trai, Tố , Đắc, Phát , Thái và con gái út ( lúc đó là Y..). Ông hay quát mắng con nhưng ít khi tôi thấy ông đánh chúng , ngược lại ông rất chiều và thương yêu con cái. Có lần thằng Tố đi xem phim ở bãi , tan buổi chiếu phim rồi, không thấy nó về, ông và cả nhà bổ đi tìm. Tôi cũng tham gia cuộc tìm kiếm đó. Mọi người lục lọi khắp bãi tuyệt nhiên không thấy nó đâu. Ông có vẻ thất vọng, Ông run run, khi nói với tôi: Tao linh cảm thằng bé chết đuối hay gục chết ở xó xỉnh nào rồi. Chiều nay, trước khi cho nó đi xem phim, tao lại tự tay tắm rửa cho nó sạch sẽ (chắc bình thường chẳng mấy khi ông tắm cho nó !!!). Ông đã bảo một số người chạy ra bờ sông lần tìm trong đêm tối. Tôi thì tôi nghĩ nó chỉ ở đâu đó trong bãi chiếu bóng, rất nhiều đứa trẻ đã thấy mặt nó trước buổi chiếu . Rồi tôi chợt nhớ ra, thường thường có nhiều đứa ra phía sau màn hình ngồi xem trên cái sâu khấu lớn thường dùng khi diễn chèo, diễn kịch hay mittinh. Ở đó, tuy chỉ xem được hình ảnh mờ và ngược nhưng rộng rãi và có thể đùa nghịch thoái mái hơn. Tôi bảo ông để tôi lên sâu khấu phía sau màn hình. Thế là mấy phút sau, chúng tôi phát hiện ra cu cậu đang ngon giấc trên sàn gỗ của sân khấu ấy, một mình cu Tố thôi, những đứa khác xem xong phim đã về hết. Ôm thằng bé vào lòng, ông Tấn khóc rất lâu trên đường về nhà. Ông rất yêu cái Y, lúc rảnh việc ở của hiệu do ế khách, ông thường ôm nó vào lòng mà nựng. Ông hay ru nó ngủ bằng những những câu vè rất ngớ ngẩn như “ bánh bò nhai mỏi cả răng, sữa bò ăn mãi bụng căng má phềnh”; nhiều khi ông nhại lại những bài hát cách mạng và cải đi vài câu rất ‘xỏ lá’ như: “vì .. ‘nhăn răng’ quên mình…’’ hay “hai con tôi đang chơi với nhau, anh ra múa son mì, anh son mì , anh sa đì vào con tôi rồi, anh không đền thì tôi đi trình…”.
Như đã nói ở phần trước, tôi học nghề với ông Tấn, miễn phí, và cũng không được ông trả cho chút thù lao nào, dù cũng giúp ông khá nhiều việc. Gì chứ vá săm, lau dầu xe hay cân vành nữa tôi cũng đã làm khá tốt sau hơn ba tháng học nghề. Cuối tháng chạp năm đó, trước khi đóng cửa hiệu để nghỉ tết, ông gọi tôi vào nhà trong (nơi ông thuê làm cửa hiệu chữa xe đạp), ông đưa cho tôi một cái bánh mỳ lớn và mấy đồng bạc lẻ, bảo cầm lấy để tiêu tết. Tôi nói với ông rằng tôi không nhận mấy thứ đó, hồi ấy với những đứa trẻ mười lăm tuổi như tôi, lời cảm ơn, nhất là cảm ơn giả vờ là những ngôn từ xa lạ lắm. Tụi tôi cứ nói thẳng tuột những ý nghĩ của mình thôi. Thật ra, trong thâm tâm tôi không hề trách ông ấy chút nào, vì tôi đã xác định học việc với ông là một hình thức ngăn chặn việc tôi theo bạn bè chơi bời thôi. Ban ngày học việc với ông, ban đêm tuần ba, bốn buổi tôi đi học bổ túc lớp tám ở trường cấp III. Sau cú bị loại khỏi danh sách trúng tuyển vào lớp tám, mặc dù biết rằng mình thừa điểm để đỗ (chuyện này thật bi hài, tôi sẽ có dịp kể lại sau), tôi rất cay cú nên rất chăm chỉ học bổ túc. Những lúc rảnh việc ở cửa hiệu xe đạp, tôi cũng thường đem bài tập toán lý ra làm. Đôi lúc, ông Tấn cũng nhờ tôi giải hộ các bài toán của Thảo hay chỉ cho thằng Tố tập viết, tập đọc. Thấy tôi không nhận mấy thứ ‘quà ‘ ông cho, ông có vẻ buồn. Sau đó ít lâu, ông bảo tôi rằng ông muốn chuẩn bị cho tôi một bộ đồ nghề tươm tất để tôi tự mở lấy một hiệu sửa xe đạp để kiếm ăn, sau khi học nghề xong, chừng một hai năm gì đó. Tôi cũng thấy bùi tai, nhưng sự đời đã không diễn ra theo dự định của chú cháu tôi, sang năm 65, chiến tranh ở miền Trung ngày càng trở nên ác liệt, bom đạn thừa thãi và người làm việc trong các ngành kỹ thuật trở nên rất hiếm, không đủ cho việc tái thiết sau giải phóng miền Nam mà người ta đã dự định sẽ diễn ra trong một vài năm tới, đúng vào lúc đó tôi nộp hồ sơ xin học trung cấp kỹ thuật và được tuyển vào trường trung học Địa chất.
Đúng ra, chỉ sau tết một vài tháng, tôi đã chia tay với ông và cái nghề được học đầu đời, vì có một thằng bạn rủ tôi đi làm thuê cho một ông kỹ thuật viên đo đạc trong các công việc giản đơn là vác mia, cắm mốc cho ông ấy đo địa hình bằng máy trắc đạc. Trước lúc chia tay ông Tấn, vì giận ông ấy hay mạt sát và theo lời dụ bảo của một thằng bạn, tôi lấy mấy chiếc lốp cũ của ông bán cho khách và bỏ túi riêng để hai thằng đi ăn phở. Những chiếc lốp ấy là của những khách ‘sộp’ đến thay lốp mới bỏ lại, mà ông thấy còn dùng được, khi có ông khách nào vỡ lốp xe giữa đường tạt vào chữa thì ông đem ra ‘luộc’ lại những ông khách ‘áo ngắn’ ấy. Rồi tôi nhận đại một chiếc xích xe rất cũ để ‘lộn’ lại, nhưng hôm sau thì tôi giao lại cho ông và nghỉ việc. Ông phải cắm cúi lộn chiếc xích quá tàng ấy và không ngớt gầm gào than vãn với một thằng bạn khác của tôi rằng tôi cố tình chơi xỏ ông. Vì chuyện đó mà ông ‘xù’ luôn của tôi cuốn L’Anglaise vivant. Khi tôi nhắn một thằng bạn nói với ông cho tôi xin lại cuốn sách, ông bảo : “bảo nó lại đây mà lấy”. Tôi ngại nên thôi, không đòi ông nữa.Cuốn sách ấy không biết về sau có giúp được gì cho ông khi máy bay Mỹ bị bắn rơi và phi công nhảy dù xuống vùng lân cận Đông Thành, như ông mong đợi không !?
Nhiều năm sau, tôi rời Đông Thành đi học chuyên nghiệp, ra trường đi biền biệt theo những hành trình địa chất về các miền xa xôi, hẻo lánh và hoang dã của cả nước, rất ít dịp tôi về thăm Đông Thành, nhất là sau khi mẹ mất, nhà bán cho người khác. Tôi còn chỉ được gặp ông Tấn một vài lần từ sau năm 1975. Lần gặp lại đầu tiên sau chừng hai mươi lăm năm cách mặt, tôi đã trở thành người đàn ông chững chạc, có đôi chút địa vị xã hội, ông Tấn nói chuyện với tôi với thái độ khá tôn trọng, nhưng vẫn giữ sự thân tình ngày trước. Biết chuyện vợ tôi mới mất, ông không bày tỏ sự chia buồn ra lời, nhưng bảo tôi nếu định tục huyền thì nên thực hiện sớm, chứ để vài năm nữa về già, có muốn cũng chẳng được nữa. Khi đó ông đã bảy mươi tuổi và bà mất trước đó vài ba năm rồi và tôi hiểu là ông không còn ý định tục huyền.Ông hỏi tôi nhiều chuyện về miền Nam, nơi mà ông cũng từng đến một số lần sau ngày giải phóng để thăm gia đình ông Sửu và một số bà con “ Bắc 54”. Ông cũng hỏi về cuộc sống của những người “ Bắc 75” như tôi mà ông nghe đồn rằng họ có cuộc sống khá giả lắm nhờ kiếm chác được qua các thương vụ hay ‘ vớ’ được những của nả của những người vượt biên bỏ lại. thí dụ mua được những ngôi nhà của họ, bán với giá rẻ như bèo. Tôi nhớ hồi năm bảy mươi, bảy mốt, ông bảo tôi bỏ nghề địa chất đi, ông sẽ giới thiệu cho ra cảng hay vào nhà máy cá hộp Hải phòng để mà tha hồ “đớp”. Trước sau, tôi chỉ cười và không trả lời thẳng vào câu hỏi của ông. Ông còn hỏi tôi thấy sao về những cuộc cách mạng nhung lụa ở Đông Âu và sự sụp đổ rồi đổi màu của nước Nga. Tôi cũng lắc đầu, nói rằng tôi không hiểu và mấy quan tâm đến những chuyện đó, điều quan tâm của tôi lúc đó là làm thế nào để nuôi được ba đứa con còn đi học trong cảnh ‘gà trống nuôi con’ vất vả và buồn tẻ hiện thời. Rồi ông say sưa giảng giải cho tôi rằng xã hội Việt Nam lúc này thực chất là xã hội tư bản rồi, ở Đông Thành bây giờ việc làm ăn, buôn bán chả khác gì những năm trước 1954. Cuộc sống của gia đình ông cũng dễ thở hơn, ông không còn mở cửa hiệu xe đạp nữa, nhưng vẫn có tiền để sinh sống, các con phần lớn đã có gia đình riêng, chỉ có Thảo và Y vẫn chưa lấy chồng dù đã lớn tuổi, đặc biệt là Thảo năm đó cũng ngoài bốn mươi rồi. Ông chỉ vào chiếc tivi sonny màu, 14 inches đời cũ bảo rằng ngày mai ông sẽ mua một chiếc mới, thật to để xem bóng đá quốc tế cho sướng mắt. Mấy người con trai lớn như Tố , Đắc, Phát đều có nhà riêng ở gần đó. Nghe nói Phát làm ăn , buôn bán phát tài đã trở thành một ông chủ nhỏ ở Đông thành. Tố thì làm ăn không khá, sống hơi chật vật. Sau này tôi nghe Hòa kể lại : Tố đã bị ông đuổi khỏi nhà vì trong một lần bị ông đánh khi hắn ta đã gần bốn mươi tuổi , vợ con đề huề rồi, đau quá, hắn không kiềm chế được, gạt mạnh một cái làm ông ngã lăn chiêng ra sân. Hắn thấp nhỏ hơn ông, nhưng khỏe như trâu mộng. Mới năm ngoái, trong một lần gặp Hòa , vợ Tố nói: may quá, ngày ấy nếu ông không đuổi vợ chồng em, thì bây giờ chúng em làm gì có nhà mà ở, vườn tược, cửa hàng, cửa hiệu mà làm ăn. Vợ chồng Thái được ông cho ở trong căn buồng nhỏ, có gác xép ở chái nhà. Tại căn buồng ấy, như tôi đã từng kể, Cụ Nhất đã đánh “bà nội” tôi theo một kiểu trừng phạt thật độc ác và quái đản. Cũng chính trong căn buồng tối tăm ấy, theo Hòa kể lại, trước khi lìa đời, bà Tấn được ông Tấn ‘ban’ cho một bạt tai, vì đã dám phàn nàn với mấy người con gái: “ lấy bố mày , tao khổ cả một đời…”. Cái bạt tai cảnh cáo ấy chắc cũng chỉ mang tính hình thức thôi, lúc đó bà đã quá yếu rồi, nhưng cũng để lại cho bà thêm một dấu vết để chứng minh trước các vị quan chức cõi âm rằng cuộc đời bà khổ hạnh như thế nào trên cõi trần để các vị ấy cứu xét mà không trừng phạt theo kiểu róc xương hay bỏ vạc dầu sôi… nữa chăng !?
Rồi ông hỏi tôi về chuyện học hành, tôi trả lời cũng đã có được hai bằng đại học và có một vốn liếng tiếng Anh kha khá nhờ theo học những khóa Anh ngữ chứng chỉ A, B, C và đi tu nghiệp nước ngoài bằng tiếng Anh. Thấy tôi đã võ vẽ tiếng Anh, ông bảo : “ này, hôm trước tôi gặp trên phố một ‘thằng Mẽo’, nó hỏi cài gì như ‘ vet - ma-ke’, tôi không đoán được nó bảo gì’. Tôi đoán ra và bảo: ‘có lẽ nó hỏi đường ra chợ, chú ạ’. Ông gật đầu: “có lý…”. Thôi, thế là cuốn L’anglaise vivant tôi biếu ông một cách bất đắc dĩ năm trước có lẽ đã chẳng phát huy được chút tác dụng nào rồi!
Cuộc gặp lần sau là lúc ông đã bắt đầu lâm
bệnh.Ông bị ung thư đại tràng, không kiểm soát được đường đại tiện, suốt ngày
ông chỉ mặc chiếc quần đùi dài ngang đầu gối. Ông bảo: “ tôi bây
giờ, nói xin lỗi, như đàn bà đến tháng, lúc nào cũng phải đóng chiếc bỉm trong
quần”. Hỏi ông về bệnh, ông ngồi xổm trên nền nhà, lấy một viên phấn vẽ hình cái
hậu môn bị xưng vù bởi những khối u nhỏ, ông nói: “ đến lúc nào đó sẽ không đại
tiện được nữa thì sẽ phải mổ, làm hậu môn giả”. Ông bảo rằng ông có người bạn
đồng môn ngày trước, đang làm bác sỹ chuyên khoa K ở Hà Nội, hứa
sẽ giúp đỡ điều trị cho ông. Thấy tôi mua biếu ông một ít bánh
trái , đường sữa, ông bảo: kìa anh, anh mua làm gì , tôi còn ăn uống được gì
đâu. Nhìn ông, tôi thấy ông có vẻ buồn, nhưng không quá bi quan, mà có cái gì
như vẻ an phận. Tôi muốn ngồi lâu để nói chuyện với ông, nhưng thấy ông mệt, tôi
để ông nghỉ. Ra sân, Y đứng nói chuyện với tôi một lúc, cô ấy nói nhiều về cách
cư xử của mấy người anh và bảo ‘ chỉ có em và chị Thảo ở đây lo chăm sóc ông
thôi, nhưng ông em chắc không qua khỏi được, chỉ còn sống ngày, sống giờ thôi…'
Chia tay ông, tôi dời Đông Thành, lòng man mác buồn. Vẫn biết tử sinh là lẽ
thường ở đời, nhưng tôi thấy thương và nhớ ông lắm. Một cuộc đời buồn tẻ, mờ
nhạt trôi đi trong cuộc sống chậm chạp, lặng lẽ ở một tỉnh lẻ nghèo
nàn.
Nửa năm sau, tôi mới được Hòa
báo cho biết là ông Tấn đã mất. Đó là vào một lần tôi điện thoại
cho Hòa, khi ông đã mất được gần một tháng. Tôi không thể gửi điện hay vòng hoa
chia buồn nữa. Một thời gian sau, về lại Thành Đông, tôi mua ít hương hoa, trái
cây để thắp hương tưởng niệm ông. Y ra tiếp tôi , cô ấy khóc khi tôi thắp hương
trước bàn thờ, rồi cô nói với tôi rằng rất may cho cô và Thảo, trước khi mất,
ông Tấn có di chúc lại, cho hai cô sở hữu toàn bộ ngôi nhà . Hai
cô ở hai gian rộng là từ đường cũ, gian bên là ‘căn buồng tối tăm, bí hiểm’ mà
tôi đã từng kể, thì tạm cho gia đình Thái ở. Cô bảo vài tháng nữa, hai cô sẽ đập
nhà cũ đi để xây một ngôi nhà hai tầng bề thế. Nghe nói vậy tôi mừng cho hai cô,
nhưng thấy tiếc cho ngôi từ đường khá cao ráo và cổ kính với cột kèo toàn gỗ
tốt, ngói âm dương, cột nhà bằng lim thật to. Chuyện về di chúc của ông Tấn cho
hai người con gái không chồng sở hữu toàn bộ ngôi nhà làm nhiều người thấy thật
lạ lùng, có người còn chê ông .. hấp hơi. Tôi thì hiểu cách xử sự của ông trước
lúc lìa đời thật là nhân văn và… thoáng. Có lẽ ông cho rằng hai cô con gái không
đi lấy chồng nữa , với ngôi nhà ấy , các cô không những có chỗ ở đàng hoàng, mà
lúc cuối đời khi sắp ‘hai năm mươi’ các cô ấy sẽ tìm được mấy đứa cháu có hiếu
nào đó trong số các con của mấy người anh em trai, các cô hứa cho họ và họ sẽ
chăm sóc các cô chăng !? Nếu không, thì sau khi các cô mất, gia sản ấy được thừa
kế theo luật pháp và các anh em , các cháu của các cô vẫn được hưởng mà.
Nhân chuyện này , tôi lại nhớ đến vợ chồng ông Đồng, người em khác
mẹ của ông Tấn. Hai ông bà không có con, lúc sắp lìa đời, bán ngôi nhà trong khu
đất vườn rộng lấy tiến mua căn nhà nhỏ ở gần khu nghĩa địa tây ( đã giải tỏa vì
sau năm 1964, người Pháp sang đưa hết hài cốt của binh lính họ về nước ), số
tiền thừa để dưỡng già. Ngôi nhà mua sau, ông bà di chúc cho Hòa được hưởng. Tuy
nhiên, số tiền còn lại ông bà gửi tiết kiệm, thì khi ông bà ốm nặng, có người
hàng xóm ‘tối lửa, tắt đèn’ sang chăm sóc, ông bà lại gửi người đó cuốn sổ tiết
kiệm, để đến lúc ông bà mất cả thì không biết sổ ấy ở đâu nữa. Hòa biết việc
này, nên về sau, nhân danh người thừa kế Hòa đã trình báo công an. Công an hứa
sẽ tìm lại, nhưng… sự việc đi dần vào quên lãng.
Tôi tạm đặt dấu chấm cho câu chuyện về
gia đình ‘bà nội’ ở đây. Câu chuyện ấy là một trong những hồi
tưởng khá sâu sắc của tôi về một thời gian đầy kỷ niệm vui buồn
của thưở ấu thơ và niên thiếu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét